Người biểu diễn đường phố Robert John Burck, hay còn gọi là “cao bồi khỏa thân”, chơi guitar tại quảng trường Thời đại vắng tanh ở New Yor k đầu tuần này (Ảnh: AFP)Người biểu diễn đường phố Robert John Burck, hay còn gọi là “cao bồi khỏa thân”, chơi guitar tại quảng trường Thời đại vắng tanh ở New Yor k đầu tuần này (Ảnh: AFP)

Trước khi vượt qua những ngày tháng đen tối nhất, bang New York đã trải qua 45 ngày kinh hoàng chiến đấu với "bóng ma" virus corona kể từ khi tiểu bang này ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên.

Từ sự tự tin của quan chức địa phương rằng New York sẽ không lâm vào cảnh giống các nước khác, bang New York giờ đây đứng ở tốp đầu thế giới về số ca nhiễm.

Dữ liệu của bang New York cho thấy tính tới đầu tuần này, cứ 100 người thì có hơn 1 người ở bang này dương tính với virus corona, tức 1%, thậm chí cao hơn các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề ở châu Âu như Tây Ban Nha, nơi tỉ lệ chỉ bằng 1/3 của 1%.

Giống như chúng tôi đang đánh một bóng ma, không biết nó đến từ đâu, ảnh hưởng tới ai nặng nhất và làm cách nào để ngăn chặn nó.

"Đi sau, về trước"

Cuối tháng 2, một người phụ nữ 39 tuổi bay về lại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở bang New York sau chuyến đi tại Iran, một tuần sau (ngày 1-3), người này được xét nghiệm dương tính với virus corona. Đây là ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở New York.

Hai ngày sau, một luật sư đến từ New Rochelle, ngoại ô thành phố New York, dương tính. Đây được xem là dấu hiệu đáng báo động vì người này không đi tới bất kỳ quốc gia nào chịu ảnh hưởng của dịch, cho thấy sự lây lan trong cộng đồng có thể đã diễn ra và cũng mở đầu cho chuỗi ngày kinh hoàng tại bang New York.

Từ những ngày đầu, khi con virus lây lan âm thầm khắp New York, Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo và Thị trưởng New York Bill de Blasio vẫn tự tin rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát hiệu quả.

"Xin lượng thứ cho sự kiêu ngạo của chúng tôi khi là người New York, nhưng mà chúng tôi nghĩ mình có hệ thống y tế tốt nhất trên hành tinh ngay tại New York này. Chúng tôi không nghĩ tình hình tại đây sẽ tồi tệ giống như các nước khác" - ông Cuomo tuyên bố đầu tháng 3.

Tuy nhiên, tình hình đi ngược mong đợi. Thành phố New York và các khu vực xung quanh đã trở thành tâm dịch của Mỹ, với số ca nhiễm nhiều hơn cả các quốc gia khác. New York vỡ trận thật sự.

Chỉ riêng thành phố New York, số ca nhiễm tăng lên 88 vào ngày 12-3, sau đó lên 464 vào ngày 16-3, rồi nhảy vọt lên 2.009 vào ngày 18-3. Từ đó số ca nhiễm cứ tăng không phanh, với cả ngàn ca mới hầu hết các ngày. Đến ngày 12-4, số ca nhiễm ở thành phố này đã qua mốc 100.000.

Khi đem ra so sánh với các bang khác, rõ ràng bang New York đã "đi sau, về trước", nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Khi COVID-19 "đặt chân" lên lãnh thổ Mỹ và bắt đầu sinh sôi nảy nở, Washington và California - chứ không phải New York - mới là các bang sớm hơn ghi nhận dấu hiệu của đại dịch.

Ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở Mỹ được báo cáo tại California vào ngày 26-2, trong khi ca tử vong đầu tiên tại bang này được ghi nhận ngày 4-3. Còn New York ghi nhận ca nhiễm trễ hơn nhiều ngày và ca tử vong đầu tiên vào ngày 14-3.

Đến ngày 13-4, California ghi nhận hơn 23.000 ca nhiễm và khoảng 680 ca tử vong, nhưng cả bang New York đến nay đã có hơn 195.000 ca nhiễm và 10.050 ca tử vong.

Vì đâu nên nỗi?

Các nhà dịch tễ học đã chỉ ra rằng chính mật độ dân số cao của New York và vai trò trung tâm thương mại - du lịch quốc tế của nơi đây đã góp phần khiến COVID-19 lây lan nhanh như vậy. Tuy nhiên chính phản ứng của chính quyền liên bang và của New York đã khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, các quan chức bang New York đã bị cản trở do phản ứng rối loạn của chính quyền liên bang, gồm vấn đề xét nghiệm.

Thông thường New York sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Washington trong lúc khó khăn như vậy, tương tự sau vụ khủng bố 11-9-2001. Tuy nhiên trong tháng 2 và đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nói giảm nói tránh mối đe dọa của COVID-19, có mâu thuẫn với các chuyên gia y tế của ông và không đưa ra phản ứng mạnh sớm để dẫn dắt các bang.

Do đó các quan chức bang New York và thành phố New York phải tự đưa ra quyết định sớm mà không có sự hỗ trợ của chính quyền liên bang.

Ngay cả như vậy các nỗ lực chống dịch lúc đầu của giới chức New York đã bị cản trở do chỉ đạo mơ hồ của chính bang này, các cảnh báo ít người quan tâm, những quyết định chậm trễ và đấu đá nội bộ chính trị, theo báo New York Times.

Bác sĩ Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho rằng nếu bang New York và thành phố New York thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội rộng rãi sớm hơn 1 hoặc 2 tuần, gồm đóng cửa trường học, nhà hàng... thì số ca tử vong có thể đã giảm 50-80%.

Thị trưởng Bill de Blasio chỉ yêu cầu đóng trường học vào ngày 15-3, sau khi những nơi khác như San Francisco, Ohio đã có động thái như vậy.

Trong khi đó New York đối mặt với tình trạng thiếu thốn vật tư y tế trầm trọng, từ máy thở, giường bệnh cho tới các thiết bị bảo hộ cá nhân dành cho nhân viên y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ.

Rõ ràng trong cuộc chiến này, virus có nhiều ưu thế từ kích thước, tốc độ cho tới những đặc điểm xa lạ với đối phương. Còn New York bước vào trận đánh trong sự lúng túng, thiếu chiến lược và đao kiếm.

Theo Tuổi trẻ