Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ hoan nghênh, đồng tình trước việc các địa phương tổ chức buổi họp để trao đổi, thống nhất phương án phối hợp để có thể triển khai, đầu tư dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được sớm nhất.
Bí thư Thành ủy TP. HCM đề nghị các bên tập trung vào một số nội dung chính như việc thống nhất chủ trương đầu tư sớm tuyến cao tốc trên địa bàn TP. HCM theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Cùng đó là việc để tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ trì làm việc với các bộ ngành và các địa phương để thống nhất phương thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện dự án theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra là việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM Trần Quang Lâm thông tin, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến cao tốc này dài 73 km, trong đó đoạn qua TP. HCM dài khoảng 2 km (dự kiến kết nối vào đường vành đai 2, tại nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức) đi qua tỉnh Bình Dương dài 60 km và tỉnh Bình Phước dài 11 km. Dự kiến, dự án này còn kéo dài đến cửa khẩu Hoa Lư, kết nối với Campuchia.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 33.800 tỉ đồng với mặt cắt đường 24,75 m. Phương án 2 có tổng vốn đầu tư dự kiến 28.200 tỉ đồng với thiết kế mặt cắt đường 17 m.
Lãnh đạo hai địa phương cũng đã trao đổi, thống nhất về chủ trương, phương thức, phương án, quy mô và thành lập ban chỉ đạo chung phối hợp triển khai dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Ngoài ra, hai địa phương còn thống nhất giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư dự án. Trước mắt, UBND tỉnh Bình Phước chủ trì làm việc với các bộ ngành và các địa phương để thống nhất phương thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện... đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể của dự án.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là dự án quan trọng nhằm kết nối giao thông giữa các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với TP. HCM. Việc kết nối tuyến đường cao tốc trực tiếp với tuyến vành đai 2, vành đại 3 của TP. HCM là hết sức cần thiết, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước nói riêng cũng như của các tỉnh thành và TP. HCM nói chung.
Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, trong thời gian gần nhất tỉnh sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án. “Dù khó đến đâu tỉnh Bình Phước cũng sẽ nỗ lực hết mình với phương châm “không đi thì không đến, không làm thì không xong” để dự án giao thông quan trọng này được thực thi ngay trong nhiệm kỳ này” – ông Lợi nói.
Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được phê duyệt tại Quyết định số 568/2013 của Thủ tướng, trong đó điểm đầu là huyện Chơn Thành (Bình Phước) và điểm cuối là nút giao Gò Dưa/ Tuyến cao tốc này dài 69 km, mặt cắt ngang 60 m.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì tuyến cao tốc này dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư kết nối với Campuchia.
Quy mô dự án 6 - 8 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 24.150 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, đoạn qua TP. HCM dài khoảng 2 km, điểm đầu từ nút giao Gò Dưa, đi theo đường tỉnh lộ 43 đến giáp ranh địa bàn tỉnh Bình Dương, lộ giới 60 m.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào trung tuần tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư. Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để triển khai dự án.
Đồng thời, TP. HCM phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm với tỉnh Bình Phước, thống nhất thành lập ban chỉ đạo chung để triển khai thực hiện.
Nguyễn Tùng