Khắc phục khó khăn

Vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, thời điểm này, Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, khu công nghiệp Bình Xuyên II đang tập trung hoàn thành giai đoạn "nước rút", nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Dịch Covid-19 đã gây thiếu hụt lao động tạm thời, tạo áp lực, gánh nặng về tài chính cho công ty, tuy nhiên, nhờ khẩn trương chuyển đổi trạng thái hoạt động, chủ động tìm kiếm nơi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đặc biệt được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, 100% người lao động trong doanh nghiệp được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã tạo động lực để doanh nghiệp tăng cường sản xuất, ổn định việc làm cho hơn 1.200 lao động.

Trưởng Ban Đối ngoại của công ty Nguyễn Hồng Giang cho biết, trước tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, công ty đang tiếp tục tuyển dụng lao động để đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao những tháng cuối năm.

Công ty TNHH Yuong Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao những tháng cuối năm. Ảnh: Chu Kiều
Công ty TNHH Yuong Poong Electronics Vina, khu công nghiệp Bình Xuyên II đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao những tháng cuối năm (Ảnh: Chu Kiều).

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp, Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác của UBND tỉnh về phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm bảo duy trì sản xuất, an toàn phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động phối hợp với Bộ Y tế phân bổ kịp thời vắc xin tiêm phòng cho người dân, ưu tiên tiêm phòng trước cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại... Hiện, tỉnh và các địa phương trên địa bàn được xác định ở cấp độ 2; tỷ lệ tiêm phủ vắc xin trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt 90%.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hằng tuần, Tổ công tác báo cáo với Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh về kết quả tiếp nhận hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa; tổ chức các buổi trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp thống nhất phương án, biện pháp phòng, chống dịch để thích ứng linh hoạt, an toàn hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, an toàn năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ đối đa để doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất nhằm giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng; cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất và rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 loại hình vận tải hoạt động, đó là đường bộ, đường thủy nội địa và vận tải đường sắt đi qua địa bàn. Thực hiện Công điện số 1322 của Chính phủ về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh đã có quyết định công bố cấp độ thích ứng an toàn là vùng nguy cơ trung bình. Do đó, các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách được phép hoạt động bình thường, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.

Để tiếp tục duy trì sản xuất

Nhờ các giải pháp hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dần phục hồi với chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tháng 10 của tỉnh tăng hơn 2,7%, chỉ số sử dụng lao động tăng hơn 1,2% so với tháng trước.

10 tháng năm 2021, sản xuất toàn ngành Công nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng với mức tăng gần 11% so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp của một số ngành Công nghiệp quan trọng như sản xuất linh kiện điện tử tăng gần 25%, sản xuất kim loại tăng hơn 16%, sản xuất ngành trang phục tăng hơn 12%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng hơn 26%...

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động nghỉ giãn cách, cách ly theo quy định nên gặp khó khăn trong bố trí, sắp xếp dây chuyền sản xuất và phân lịch làm việc theo ca, nhưng vẫn phải trả lương cho họ dẫn đến tăng chi phí sản xuất, thiếu hụt lao động.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài, chi phí vận chuyển, đặc biệt là chi phí kho bãi gia tăng đã đẩy giá thành sản phẩm, nguyên liệu đầu vào lên cao hơn trong khi hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất ra không thể xuất bán, không có doanh thu, lợi nhuận và tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận khách hàng, dẫn đến khó duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh...

Những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai, thống nhất các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành về các giải pháp thích ứng linh hoạt, bảo đảm tối đa việc lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi hoạt động sản xuất sau dịch.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất, giữ đơn hàng, khách hàng; tăng cường giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào.

Cùng với đó, khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo độ bao phủ vắc xin đạt 100% ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cập nhật, công khai các vùng dịch và cấp độ dịch ở tất cả các địa phương trong cả nước trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh làm căn cứ để áp dụng các biện pháp quản lý người đến từ các vùng dịch.

Lưu Nhung