Tình hình kinh tế xã hội nhiều thuận lợi

Cùng dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chúc mừng các nhà báo nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6). Chúc các nhà báo và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, thành công, tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ trong chặng đường tiếp theo.

Thu ngân sách Nhà nước tăng khá, 5 tháng đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9% - Hình 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin: Ngày 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017. Phiên họp diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ với nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng đã có buổi hội đàm với Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống, nhiều Bộ trưởng trong Nội các Hoa Kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, được xác lập năm 2013, tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Chuyến thăm là sự tiếp nối chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thăm song phương Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, DN hai bên đã ký kết 19 dự án. Có thể nói đây là sự kiện rất đáng mừng, đáng chú ý trong công tác đối ngoại của nước ta.

Về chương trình phiên họp, trong buổi sáng, Chính phủ tập trung bàn về tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Buổi chiều, tập trung công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách: Thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng Cái Mép - Thị Vải; đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông…

Theo đó, Chính phủ đã quyết định tiếp tục miễn visa cho một số nước Tây Âu; thông qua chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở  vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2018. Đồng ý kéo dài thực hiện chính sách được quy định tại Quyết định số 1033 ngày 30/6/2011 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 1951 ngày 2/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011- 2015 đến 31/12/2020.

Về tình hình kinh tế-xã hội, vấn đề nổi lên thời gian qua là tăng trưởng GDP quý I thấp hơn cùng kỳ và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành với quyết tâm phải đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm 2017 là 6,7%. Đây tiếp tục là quyết tâm của Chính phủ.

Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình tháng 5 và 5 tháng có nhiều thuận lợi. Trong nước tình hình KTXH tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực; kết quả tốt hơn tháng 4 và quý I. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,53%, chủ yếu là do giá thịt tươi sống và xăng dầu giảm; tăng 0,37% so với tháng 12/2016.

Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,2%, cao hơn 4,2% của quý I; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá, khách quốc tế đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 30,8%.

Tín dụng tăng cao hơn cùng kỳ các năm gần đây, đạt khoảng 6,5%; việc cơ cấu lại ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu đã có chuyển biến tích cực. Thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao mới trong 9 năm và hướng tới mốc 750 điểm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tăng 17,4%; trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện tháng 5 tăng 31,9%, điện tử, máy tính tăng 47,2%; XK rau quả 5 tháng tăng 38,6%, càphê tăng 13,5%, thủy sản tăng 11,7%. Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh, đạt trên 12 tỷ USD, tăng 10,5%.

Thu NSNN tăng khá, 5 tháng đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9%. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục lập kỷ lục, với trên 50 nghìn DN đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là gần 1,2 triệu tỷ đồng.

Ngày 7/5, Thủ tướng đã gặp gỡ gần 10.000 DN trên cả nước, qua đó, lòng tin của DN đối với Chính phủ đã tăng lên rất nhiều..

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phấn đấu thực hiện các mục tiêu

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về các giải pháp để thực hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra. Ngày 2/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Chính phủ yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị này của Thủ tướng, đây là nhiệm vụ chính trị, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế.

Thu ngân sách Nhà nước tăng khá, 5 tháng đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9% - Hình 2

Quang cảnh buổi họp báo

Cụ thể, khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 33 tỷ USD. Công nghiệp phải tăng 7,91%, trong đó các ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, ngành xây dựng phải tăng trên 10%. Khu vực dịch vụ phải tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%.

Về các giải pháp cơ bản năm 2017 và trong trung, dài hạn, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong tháng 8 năm 2017 có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ, tập trung vào hai nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp chung: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, thu - chi ngân sách Nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công; cải cách thể chế, tập trung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng suất lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; điều chỉnh hợp lý theo lộ trình giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành lĩnh vực: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; sớm triển khai niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.

Tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 5/2017. Cụ thể, tính đến ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện hơn 21.000 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành trong hạn 10.384 nhiệm vụ, có 1.997 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn, còn 8.847 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 8.325 nhiệm vụ trong hạn và 522 nhiệm vụ quá hạn). 

Hoan Nguyễn