Tại buổi họp báo quý 1/2019 vào chiều tối ngày 28/3/2019, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (BộGTVT) cho rằng, việc cấm hay hạn chế xe máy đã được triển khai ở các đô thị lớn trên thế giới như Myanmar, một số thành phố lớn ở Trung Quốc.

 “Đây là một trong các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng phải đi kèm với việc đáp ứng tốt vận tải công cộng và kết nối tốt các loại hình vận tải với nhau cũng như giao thông tĩnh (bãi đỗ xe cho người dân),” ông Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT: Hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM là cần thiết - Hình 1

Đường Lê Văn Lương là một trong những trục giao thông dự kiến cấm xe máy

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc Chính phủ giao Hà Nội và TP.HCM xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Hà Nội mới đang trong quá trình xây dựng đề án. Còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích trước khi đưa ra được phương án cuối cùng. Quan điểm của Bộ GTVT trước tiên phải có đề án trên nguyên tắc tổ chức tốt liên kết giữa các loại hình giao thông công cộng, và phải đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi mới hạn chế phương tiện cá nhân,” Thứ trưởng Đông nêu quan điểm.

Trước đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP sẽ cân nhắc dừng hoạt động xe máy ở một số tuyến phố đủ điều kiện. Dự kiến, đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động đầu tiên trong các quận nội thành của Hà Nội. Người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện thay thế.

Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của cả người dân và chuyên gia giao thông. Nhiều người cho rằng, phương tiện công cộng ở Hà Nội chưa thể đáp ứng nếu áp dụng cấm xe máy. 

Hằng Vương (t/h)