Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Thanh Hoá cần tranh thủ nhiều hơn nguồn lực quốc tế, thu hút đầu tư từ bên ngoàiThứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Thanh Hoá cần tranh thủ nhiều hơn nguồn lực quốc tế, thu hút đầu tư từ bên ngoài

Theo đó, năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả khả quan như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,08%, là mức tăng trưởng khá so với cả nước, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, với tổng vốn thu hút đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Tính luỹ kế, đến hết tháng 11, Thanh Hóa đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 28.900 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh thành lập mới 3.200 doanh nghiệp, vượt 6,7% kế hoạch...

Công tác đối ngoại luôn được tỉnh Thanh Hóa chú trọng quan tâm. Năm 2020, tỉnh đã tổ chức 42 đoàn, 289 lượt người đi công tác nước ngoài theo ngân sách Nhà nước và ngân sách được đài thọ, giảm 55,7% số đoàn. Các cơ quan trong tỉnh đã đón tiếp 81 đoàn khách quốc tế với 402 lượt người đến thăm, làm việc tại Thanh Hóa, giảm 44,9% số đoàn và giảm 70% số lượt người.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa đã ký kết 19 thoả thuận quốc tế, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 15 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 12,5 tỷ USD; thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều địa phương trên thế giới, như: TP Seongnam, tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc); bang Mittelsachsen (Đức), tỉnh Fawaniyah (Cô-oét) và tiến tới thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Tula (Nga)...

Ngoài ra, trong năm 2020, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, xúc tiến, vận động viện trợ phi Chính phủ. Qua đó, có 39 chương trình, dự án triển khai, giá trị giải ngân đạt khoảng 7 triệu USD…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao tỉnh Thanh Hoá đã đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hoá luôn giành sự quan tâm lớn và đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và ngoại giao. Hiện tại, các nước đều có chính sách quan tâm, ưu tiên đến Việt Nam nên tỉnh Thanh Hoá cần tranh thủ nhiều hơn nguồn lực quốc tế, thu hút đầu tư từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa nên xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đối ngoại, triển khai nền ngoại giao toàn diện, hiện đại (gồm cả ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hoá); thể hiện tính chuyên nghiệp và nâng tầm quan hệ đối ngoại trong thời kỳ mới. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: Công tác đối ngoại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Thanh Hóa, và tỉnh này coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng công tác đối ngoại của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ tạo điều kiện để tỉnh Thanh Hoá tổ chức nhiều buổi đàm phán, chuẩn hoá kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại để các đối tác thương mại nâng cao sự tin tưởng vào thị trường Thanh Hoá.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các lớp, chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác đối ngoại; tổ chức có hiệu quả các chương trình kết nối địa phương với các quốc gia trên thế giới; tạo điều kiện để lãnh đạo địa phương tham gia các đoàn công tác do Bộ Ngoại giao tổ chức tại nước ngoài; tổ chức các hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; kết nối địa phương trong nước và địa phương nước ngoài.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức Hội nghị gặp gỡ vùng Kansai, Nhật Bản năm 2021.

Hoài Thu