Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 584/CĐ-TTg, ngày 19/5/2019 gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

 

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy - Hình 1

Ảnh minh họa

Công điện nêu rõ, thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống nhân dân.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn, giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Thứ nhất, các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 32/CT-TTg ngày 5-12-2018 tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, số 29/CT-TTg ngày 9-10-2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Thứ hai, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, kho bãi, cơ sở sản xuất, các chung cư, khu dân cư, rừng; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phố biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung tuyên truyền sâu, rộng cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nâng cao hiệu quả công tác thường trực, tiếp nhận thông tin, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, kịp thời cứu người, tài sản; thường xuyên tổ chức diễn tập phương án chữa cháy có sự phối hợp nhiều lực lượng.

Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy để đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy từ hệ thống, thiết bị điện. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc quản lý, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng an toàn điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý.

Thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho người dân. Các cơ quan tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người dân và cán bộ, nhân viên thuộc phạm vi quản lý.

Thứ năm, UBND các cấp: Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư, rừng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.

Củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Thứ sáu, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc duy trì các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra; đặc biệt là việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc Công điện này, thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Diệp Bắc

Bài liên quan

Tin mới

Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch
Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch

Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 quyết tâm đào hào chia cắt sân bay địch xong trước kế hoạch; đồng thời tiến hành đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch.

Ưu tiên nguồn lực giám sát các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Ưu tiên nguồn lực giám sát các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long ký văn bản đôn đốc, đảm bảo an toàn thông tin mạng dịp lễ 30/4 - 1/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ gửi tới các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, nền tảng số cùng những tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại trên toàn quốc.

Giá vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5 cao ngất ngưởng, nhiều hãng tăng thời gian hoạt động
Giá vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5 cao ngất ngưởng, nhiều hãng tăng thời gian hoạt động

Nhằm đối phó với tình trạng thiếu máy bay trong khi nhu cầu đi lại trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè này tăng mạnh, các hãng hàng không đã xoay xở bằng cách tăng thời gian hoạt động của máy bay, rút ngắn thời gian quay đầu... Tuy nhiên, giá vé bay vẫn cao.

Khi nào được sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài?
Khi nào được sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài?

Việc sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài chỉ được thực hiện khi Việt Nam và nước ngoài ký kết thỏa thuận quốc tế cho phép người dân.

Thời tiết ngày 20/4: Nền nhiệt cả nước tăng
Thời tiết ngày 20/4: Nền nhiệt cả nước tăng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 20/4 Bắc Bộ đêm mưa dông, ngày nắng nóng. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng gay gắt.

Brand Finance: Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng 102%, đạt 498,13 tỷ USD
Brand Finance: Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng 102%, đạt 498,13 tỷ USD

Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019-2023.