Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề “Đồng hành và phát triển”

Sáng 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, văn phòng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị liên quan cùng đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là hoạt động tiếp theo của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư tổ chức vào tháng Tư vừa qua, nhấn mạnh thêm thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN); và cũng thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà ĐTNN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu dẫn đề về tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu dẫn đề về tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Theo đó, khu vực ĐTNN được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển bình đẳng; được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Biến đổi khí hậu; cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột vũ trang ở một số khu vực… đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hoá, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; cũng như dòng FDI toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, dịch chuyển dòng vốn về các khu vực, các nước ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội.

Trong 9 tháng năm 2023: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; Cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD; Vốn ĐTNN đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, VN cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI. 

Với phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: "Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá trung thực, điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời", Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại như: quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của DN, trong đó có DN, nhà ĐTNN. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chỉ có sự phối hợp mới đem lại thành thành công. Và thành công này sẽ chia sẻ cho cả DN và Việt Nam.

Bộ KH&ĐT xin kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Đối với các bộ, ngành, địa phương

Thứ nhấtphát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ để giải quyết những thách thức nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ để giải quyết những thách thức nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thành công của một số địa phương trong việc thu hút được các dự án FDI quy mô lớn như: Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An, Bắc Ninh… là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của giải pháp này.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho DN, NĐT để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới.

Thứ năm, chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như: mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị.

Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà ĐTNN

Thứ nhất, tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và DN để: (i) kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; (ii) tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ hai, sự phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp FDI cần đặt trên đà phát triển mới.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác ĐTNN đến năm 2030; trong đó, định hướng hợp tác ĐTNN của Việt Nam trong gian đoạn tới đã có những thay đổi lớn, có những bước đi vững chắc trong tương lai so với giai đoạn trước đây. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được những mục tiêu PTBV, hướng đến sự thịnh vượng chung cho hai bên.

Ông Josh Williams, Trưởng Đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam và tin vào các chính sách về giảm phát thải để đạt mục tiêu netzero vào năm 2050 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Josh Williams, Trưởng Đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam và tin vào các chính sách về giảm phát thải để đạt mục tiêu netzero vào năm 2050. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thứ ba, thúc đẩy kết nối giữa DN nhỏ và vừa với DN lớn; giữa DN trong nước với DN có vốn ĐTNN, DN ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, DN với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy DN tiếp cận KHCN thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để DN phát triển nhanh và bền vững

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng DN, trong đó có các nhà ĐTNN, chúng tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng chung.

Cùng với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, Bộ KH&ĐT cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng DN nói chung và ĐTNN nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):  Chúng tôi rất vui mừng khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng trước. Quyết định này mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương và củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những động lực thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi vui mừng nhận thấy động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương đã tăng lên sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam tới San Francisco, Washington D.C. và Thành phố New York. AmCham đang nỗ lực phối hợp với những doanh nghiệp mà đoàn đã gặp trong chuyến thăm để hiện thức hóa những định hướng đầu tư của họ.

Trong hai tuần nữa, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ để thảo luận ưu tiên của Việt Nam trong tháo gỡ nút thắt huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế; khai thác tối đa tiềm năng của nền kinh tế số; nâng hạng từ vị thế thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; thúc đẩy đầu tư bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, ví dụ như tăng cường cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Chính phủ có thể thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian qua. Các thành viên của chúng tôi – giống như hầu hết doanh nghiệp đang có mặt tại đây ngày hôm nay – nhận thấy quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ xác định, tháo gỡ những nút thắt này, đồng thời giúp Chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.

Trong tháng này, các thành viên AmCham sẽ có buổi làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) để chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến thủ tục hành chính và lắng nghe những sáng kiến mới nhất của Chính phủ về cải cách hành chính.

Một khía cạnh mà tất cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư tương lai đều quan tâm là độ tin cậy về nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Mối quan hệ giữa cung-cầu điện là khá phức tạp và Chính phủ cần có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo hợp tác công-tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng.

Quy định cần phải được xây dựng cụ thể, ổn định và Chính phủ nên tập trung vào các dự án khả thi, có khả năng huy động vốn để đảm bảo nguồn cung ứng điện đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đơn giản hóa hệ thống quy định về năng lượng tái tạo trong khi các nhà đầu tư mới sẽ nghiên cứu khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy trước khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về năng lượng mặt trời áp mái vào tuần trước.

Để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện thực hóa cam kết tại hội nghị COP26, những giải pháp quan trọng cần thực hiện bao gồm phát triển lưới điện, triển khai hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán, rút gọn thủ tục phê duyệt dự án và củng cố vị thế tài chính của các công ty điện lực quốc gia. Với kinh nghiệm công tác trong ngành điện, tôi hiểu rằng sự tham gia của khu vực tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn đi đầu trong lĩnh vực năng lượng và chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp với Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ để giải quyết những thách thức nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.

Ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt NamTôi muốn phát biểu về lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Có hai sáng kiến chính đã được đẩy mạnh. Thứ nhất, ASLN là mạng lưới logistics thông minh của ASEAN – một cơ chế hợp tác nhằm đẩy mạnh hơn sự kết nối và hội nhập trong ASEAN. Thứ hai, chúng ta có SG Connect – dự án nền tảng của ASEAN được triển khai từ năm 2018 với mong muốn hỗ trợ phát triển thành phố thông minh trong khu vực.

Ông Ng Boon Teck (Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam) phát biểu về lĩnh vực logistics tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Ng Boon Teck (Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam) phát biểu về lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Ngoài ra, quy trình lãnh đạo cũng là một trong những lĩnh vực được tập trung đẩy mạnh để thúc đẩy phát triển và tính bao trùm trong khu vực. Những chương trình cụ thể đang được triển khai, đơn cử như 2 dự án chủ đạo đã được thực hiện từ năm 2022 tại Việt Nam và Phnom Penh. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ triển khai được nhiều dự án hơn nữa

Chúng ta có "Super port" tại Việt Nam là "siêu cảng", trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc với diện tích rất lớn, có sự kết nối với nhiều khu vực như: Hà Nội, sân bay Nội Bài, Cảng Hải Phòng và các tỉnh biên giới.

Chúng tôi mong muốn kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến nơi này thành khu vực trung chuyển với tinh thần giảm chi phí nhiều nhất có thể.

Tháng 8 vừa qua, chúng tôi ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Vĩnh Phúc để đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia.

Doanh nghiệp Singapore có rất nhiều hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics càng đơn giản, hiện đại càng tốt, kết nối hạ tầng đường xá, thông tin, kinh tế. Chúng tôi muốn mang tới công nghệ mới, thông minh và chia sẻ cách tối ưu hoá những công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh hơn ngành logistics.

Tôi cũng muốn chia sẻ 3 lĩnh vực cụ thể mà cơ quan chức năng có thể triển khai. Thứ nhất, đẩy mạnh hơn dòng chảy thương mại, hợp tác, hỗ trợ với các quốc gia láng giềng. Thứ hai, khẳng định vai trò trung tâm, trung chuyển, đẩy mạnh giao thông giữa các tỉnh biên giới và giữa Trung Quốc - ASEAN. Thứ ba, chúng ta cần nhìn kỹ hơn, rõ hơn vào quy trình thực hiện cơ chế một cửa, để quá trình thông quan trở nên đơn giản hơn.

Cuối cùng, về phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng. Cần phải nghĩ đến tất cả các quy trình đã thân thiện với môi trường hay chưa? Tôi muốn đề xuất tập trung về cơ chế tài chính, cơ chế đánh thuế, nghiên cứu thành lập điểm kết nối về điện,… làm sao để môi trường "xanh hơn".

Ông Josh Williams, Trưởng Đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam: Swire Pacific là tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, bất động sản, dịch vụ hàng hải, thương mại và công nghiệp và Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng, có sự tăng trưởng ấn tượng với dân số trẻ và đặc biệt có những chính sách về kinh tế có hiệu quả.

Trong suốt những năm qua, Swire đã ngày càng tăng sự hiện diện vào Việt Nam. Mới đây năm 2020, Swire đã đầu tư vào 02 dự án bất động sản lớn trong TP. HCM và đầu năm 2023, Swire Coca-Cola – công ty con của Swire Pacific đã mua lại các công ty con của Coca-Cola ở Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam và tin vào các chính sách về giảm phát thải để đạt mục tiêu netzero vào năm 2050. Swire cam kết 100% sản phẩm đóng gói tại Việt Nam có thể tái sử dụng được và chúng tôi sẽ nỗ lực để góp phần vào mục tiêu netzero Việt Nam đặt ra vào năm 2050.

Theo Chinhphu.vn

Bài liên quan

Tin mới

Vĩnh Phúc: Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí
Vĩnh Phúc: Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí

Báo cáo về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Đại tá Thân Văn Hải, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn được kiềm chế, giảm trên cả ba tiêu chí. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông đường bộ, không xảy ta tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt.

Khai trương Trung tâm Giám sát - Điều hành huyện Thuỷ Nguyên
Khai trương Trung tâm Giám sát - Điều hành huyện Thuỷ Nguyên

Thực hiện Chủ đề năm 2024 của thành phố và huyện về Chuyển đổi số, chiều 10/5, huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) tổ chức khai trương Trung tâm Giám sát - Điều hành. Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu của huyện hưởng ứng chào mừng Kỷ niệm 69 năm Ngày Hải Phòng giải phóng và Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024. 

Lập hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa
Lập hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa

Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 400 thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập

Tối 10/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (14/5/1994-14/5/2024).

Gắn biển hoàn thành xây dựng Cầu cảng số 3, 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Gắn biển hoàn thành xây dựng Cầu cảng số 3, 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng

Ngày 10/5, Cảng Hải Phòng tổ chức Lễ gắn biển hoàn thành xây dựng Cầu cảng số 3, 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Sự kiện chào mừng các Ngày lễ lớn trong tháng 5, Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 và đặc biệt là Kỷ niệm 150 hình thành và phát triển của Cảng Hải Phòng. 

Quảng Ninh: Phát hiện, buộc tiêu hủy lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Quảng Ninh: Phát hiện, buộc tiêu hủy lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đội quản lý thị trường số 8, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh vừa kiểm tra phát hiện, xử lý, buộc tiêu hủy lượng lớn chân gà rút xương, chân bò đông lạnh và nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Tiên Yên.