Phát biểu khai mạc Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào sáng nay (9/5) với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghịThủ tướng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

 Đặt kỳ vọng Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng nêu rõ đó là Hội nghị thể hiện sự kết tinh của tinh thần yêu nước, của người dân và doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, một quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đây là cơ hội để chúng ta không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin còn là bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động của chúng ta. Lao động là vinh quang, làm việc để thấy mình có vinh dự và còn có khả năng lao động đóng góp cho xã hội, cho quê hương, đất nước. Các doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển bản thân của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.

Đối với bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân. Đặc biệt, cần lưu ý trong những công việc không phải “quyền anh, quyền tôi” lúc này mà phải là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát biểu của các bộ, ngành hôm nay phải rõ ràng, chất lượng, trọng tâm, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp nào mới mẻ đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói toàn chuyện biết rồi và đặc biệt là cán bộ, công chức phải được quản lý để cán bộ, công chức chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Do đó, Hội nghị này phải nêu được những giải pháp, những ý tưởng mới, chẳng hạn như về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy, về lao động, thuế, phí… Chúng ta đã có gói “đùm bọc” hay “san sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng từ giảm giá điện, nước, viễn thông. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

“Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ, ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Huy Trung