Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ đồng hành, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn và chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị để cùng nhau chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm qua, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế-xã hội trên toàn cầu.

Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Đồng thời, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch” để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Tại Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn. Chúng ta chia sẻ và thấu hiểu là không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Mặc dù bối cảnh khó khăn như vậy nhưng trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta đã bước đầu đạt được kết quả tích cực để thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết và duy trì sản xuất nhằm bảo đảm đời sống nhân dân và an sinh xã hội.

Trong phạm vi, quyền hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và bảo đảm an dân. Nhờ đó, kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng lưu ý, bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Chính phủ cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua. Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm ”lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ”chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.

“Tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021. Nhưng tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Do đó, Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài. Chúng ta cố gắng chia thành nhóm vấn đề để giải quyết cụ thể và toàn diện.

Thủ tướng thông tin, ngay sau khi Quỹ vắc xin được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của Quỹ để mua vắc xin và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vắc xin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vắc xin, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... thậm chí có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và Nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Chính phủ và cá nhân tôi rất cảm động và cảm nhận sâu sắc, các doanh nhân đã hỗ trợ Nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét văn hóa doanh nhân rất đẹp, rất nhân văn, thiết thực và hiệu quả. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

Chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của Nhân dân. Đồng thời, chúng ta cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ...

Nguyễn Kiên