Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT.

Để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định.

Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động xuất khẩu dược liệu phải hoàn thành trước ngày 25.4.2024, Công điện nêu rõ.

Nhận được thông tin trên, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nghiệp Văn Yên, Yên Bái Lưu Trung Kiên chia sẻ “chúng tôi rất vui mừng”.

Nếu quy định liên quan xuất khẩu dược liệu sớm được tháo gỡ sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế trên địa bàn huyện nhanh chóng giải phóng lượng hàng tồn kho hiện lên tới hàng chục tấn, ông Kiên kỳ vọng.

các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế gặp khó do quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế gặp khó do quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT.

Trước đó, theo phản ánh, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế gặp khó do quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT.

Cụ thể, theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPA), sản phẩm tinh dầu quế xuất khẩu hiện nay chủ yếu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, không sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang phải thực hiện theo quy định về kinh doanh dược liệu, làm phát sinh nhiều chi phí.

Theo đó, tại Thông tư số 48, cành quế chi thuộc Phụ lục 1 danh mục mã số hàng hóa đối với dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu; tinh dầu quế thuộc Phụ lục 2 danh mục mã số hàng hóa đối với các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc xuất khẩu, nhập khẩu.

Tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48, Bộ Y tế bãi bỏ một số danh mục hàng hóa như quế chi (cành), quế vỏ. Tuy nhiên, tinh dầu quế làm từ cành quế chi vẫn trong Phụ lục 2 của Thông tư số 48, tức vẫn phải áp theo quy định về xuất khẩu làm dược liệu.

Khó khăn trên khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại vùng nguyên liệu hiện tồn kho lên tới 100 tấn. VPA ước tính, hết vụ quế mùa xuân tháng 3 - 4.2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu, giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn bị tồn kho.

Từ thực tế đó, VPA kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục rà soát Thông tư số 48, xác định tinh dầu quế là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu để làm thực phẩm, đồ uống thì cần cho phép doanh nghiệp tự kê khai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phương Thảo(t/h)