Được biết, trước đó ngày 10/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND, về triển khai ứng phó với bão số 5 và hoàn thành trước 17h ngày 11/9/2021.
Hôm nay, trước tình hình cơn bão CONSON đang áp sát bờ biển các tiunhr miền Trung, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục ra thông báo, yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh trong chiều và đêm nay 11/9/2021, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh, dự kiến trong đêm 11 và sáng ngày 12/9/2021.
Về lực lượng công an, để chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 5- bão Côn Sơn, Công an Thừa Thiên Huế đã gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão, 100% cán bộ chiến sĩ tham gia ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Tại cuộc họp trực tuyến với các sở ngành ứng phó với cơn bão số 5 (CONSON), do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh chủ trì, các đơn vị liên quan cho biết: Hiện mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và đảm bảo an toàn, sẵn sàng, chuẩn bị đón lũ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn, liên lạc đài trực canh để thông báo cho đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão, gió mạnh để chủ động phòng tránh. Hiện còn 03 phương tiện đang trên đường vào trú tránh an toàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch covid 19 và sơ tán dân an toàn ứng phó bão số 5, đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giản cách, cách ly theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.
Sở Công Thương có phương án dự trữ về lương thực thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo. Đồng thời, thông báo đến các chủ đầu tư các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải có phương án đảm bảo an toàn hồ đập.
Đặc biệt, tại Thủy điện Rào Trăng 3, Rào trăng 4, yêu cầu chủ đầu tư thông báo đến các công nhân lao động đang làm việc tại nhà máy thì ai đang ở đâu, ở yên đó, không di chuyển trong lúc bão diễn ra. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án di dời công nhân từ sớm cũng như dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc... tại chỗ để đảm bảo vận hành khi có tình huống chia cắt.
Trần Minh Tích