Công trình dịch vụ- Du lịch mới đưa vào khai thác của tỉnh Thừa Thiên Huế
Công trình dịch vụ - du lịch mới đưa vào khai thác của tỉnh Thừa Thiên Huế

Số liệu 7 tháng đầu năm cho thấy: Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc, lượng khách du lịch gấp 1,8 lần; tổng thu từ du lịch gấp 2 lần so với cùng kỳ 2022; doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 74,3%, tăng 13,4%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 1%, trong đó một số sản phẩm tăng chủ yếu so với cùng kỳ gồm bia, tôm đông lạnh, gạch ốp lát...

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7 tháng, bằng 47,2% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước,  ước đạt 5.673,3 tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán, bằng 43,6% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 19,7% so với cùng kỳ 2022; chi ngân sách nhà nước ước đạt 6.886,1 tỷ đồng, đạt 47,42% dự toán.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 27/7 đã giải ngân đạt 38,8% kế hoạch; riêng giải ngân vốn do Thủ tướng Chính phủ giao đạt 40% kế hoạch. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỷ đồng. Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay là 8.600,097 tỷ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo đạt 33,3% kế hoạch.

Thừa Thiên Huế đang tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng
Thừa Thiên Huế đang tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng

Ông  Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu nhiều tín hiệu vui trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư.

Ông cho biết, nhiều nhà đầu tư triển khai dự án và đi vào hoạt động hiệu quả. Chỉ riêng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô dự kiên cuối tháng 12 này đi vào hoạt động sẽ sản xuất, lắp ráp được khoảng 6.000 chiếc ô tô, khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động ổn định sẽ đóng góp cho ngân sách mỗi năm từ 800 - 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Khu công nghiệp Phong Điền hiện đang đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 150 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Đại Vui, đây là những nguồn thu bền vững, khi mà một số nguồn thu khác sụt giảm như thu tiền sử dụng đất do thị trường bất động sản trầm lắng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, thì vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Như tại cuộc họp HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm mới tổ chức, ông Hà Văn Tuấn, Bí thư Thị ủy Hương Trà cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 6,51%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực nhưng so với kế hoạch đặt ra là 9 - 10% thì còn khá xa.

Ông Tuấn đề nghị, chúng ta cần có các giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tháng còn lại của năm 2023 như kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh; tăng cường kêu gọi đầu tư các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghệ cao nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Đặc biệt cần huy động vốn từ doanh nghiệp cho các dự án hạ tầng…

Ông Tuấn nêu điển hình như thị xã Hương Trà, đã áp dụng cách này trong việc đầu tư xây dựng cầu đường. Nhờ đó, đã có nhiều cây cầu được xây mới cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Ông Hà Văn Tuấn cũng đề nghị, cần xem xét kéo dài thời gian quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng. Vì nếu chỉ thực hiện trong vòng 10 năm thì chưa kịp thực hiện xong đã phải lập quy hoạch mới. Trong khi đó, ngân sách để thực hiện các quy hoạch khá lớn. Đối với quy hoạch tỉnh hơn 100 tỷ đồng, quy hoạch phường hơn 2 tỷ đồng.

Về phát triển ngành du lịch, dịch vụ khá nhiều người quan tâm.

Như ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền hiến kế nên mở rộng và đa dạng các hình thức, loại hình, sản phẩm du lịch dịch vụ để thu hút khách, như du lịch sự kiện, hội nghị mang tầm quốc gia, quốc tế. Những sự kiện lớn luôn thu hút được một lượng lớn đại biểu, du khách và người nhà tham gia. Có sự kiện vài nghìn người tham dự sẽ góp phần tăng thu cho ngành du lịch.

Hay như ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị cần thay đổi hình thức tổ chức tham quan di sản bằng cách bán tour trọn gói thay vì chỉ bán vé như hiện nay. Nếu tổ chức theo tour, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và người dân hưởng lợi khi họ bán được thêm các sản phẩm trải nghiệm, ẩm thực, giải trí…

Trung tâm tiệc cưới- hội nghị- sự kiện Gold Land trên 1.000 khách đầu tiên của Thừa Thiên Huế mới đưa vào hoạt động
Trung tâm tiệc cưới - hội nghị - sự kiện Gold Land trên 1.000 khách đầu tiên của Thừa Thiên Huế mới đưa vào hoạt động

Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã có những chỉ đạo cương quyết. Đó là:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp; cần theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định sản xuất, nhất là các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh;

Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; đôn đốc, hỗ trợ các dự án hoàn thành đi vào hoạt động; hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách.

Chủ tịch Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022.

Tỉnh phấn đấu, hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn…

                                                                                                                                                Trần Minh Tích