Thời gian qua, nhờ những biện pháp quyết liệt của hai nước, đặc biệt nhờ sự nỗ lực của Bộ Công Thương, cũng như Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, kim ngạch thương mại giữa 2 nước, trong 8 tháng đầu năm đã đạt được con số ấn tượng – hơn 8 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa nước Australia trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Mặc dù vậy, Việt Nam đang nhập siêu từ Australia. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu hơn 1 tỷ USD và tính đến hết 8 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập siêu gần 2,5 tỷ USD.
Bà Lê Hoàng Oanh Vụ trưởng Vụ thị trường Á – Phi cho rằng tới đây hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng và bền vững hơn.
Mặc dù đã đề xuất về việc mở cửa thị trường nông sản Australia đối với các sản phẩm của Việt Nam từ kỳ họp năm 2020 và cũng đã được bộ trưởng hai nước trao đổi nhiều lần, việc xuất khẩu các mặt hàng như tôm tươi nguyên con, trái cây tươi, chanh leo vẫn chưa có tiến triển cụ thể.
Nguyên nhân được cho là phía Australia hiện vẫn chưa hoàn thành trong việc đánh giá rủi ro về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo và chưa hoàn tất đánh giá công nghệ sản xuất tôm an toàn, dịch bệnh để nhập khẩu các mặt hàng này.
Tại cuộc họp lần thứ 3 của Nhóm công tác Thương mại Việt Nam – Australia thuộc khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam – Australia, bà Lê Hoàng Oanh đề nghị phía Ausralia đốc thúc nhằm hỗ trợ nhanh quá trình cấp phép nhập khẩu chính thức cho tôm tươi nguyên con và có thể hỗ trợ kỹ thuật cho về Việt Nam trong quá trình quản lí dịch bệnh trên tôm, sớm xem xét đánh giá chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh của Tập đoàn Việt – Úc, để sản phẩm tôm tươi nguyên con sớm được cấp phép xuất khẩu sang Ausralia. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn sớm hoàn tất quá trình mở cửa thị trường chanh leo cho Việt Nam và tiến tới mở cửa các mặt hàng khác như chôm chôm, vú sữa.
Hà Trần