Chuyển đổi số phải xuất phát từ con người
Ông Vũ Kim Văn - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, chỉ ra định hướng phát triển đất nước, giai đoạn 2021 - 2030:
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước quốc tế;
Nhằm xây dựng hệ sinh thái giúp định hình và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, giúp các đơn vị, tổ chức có thể cập nhật kịp thời sự phát triển chung của thế giới, tối ưu hóa tiến trình tiếp cận các giải pháp; giải quyết các vấn đề và thách thức của tổ chức để thực hiện chuyển đổi số được thành công;
Kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái chuyển đổi số - góp phần hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hiệu quả hơn, góp phần tháo gỡ những khó khăn mà các tổ chức - doanh nghiệp đang gặp phải.
Ông Thái Trí Hùng, Phó tổng giám đốc MOMO cho rằng: Tư duy dữ liệu trong kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm nội dung số là hết sức quan trọng. Theo ông Hùng, chuyển đổi số chính là quá trình đưa các dữ liệu về con người, về doanh nghiệp, các hoạt động kinh doanh lên môi trường số. Chuyển đổi số phải xuất phát từ con người, phục vụ con người và lấy con người làm trung tâm. Do đó, nguồn dữ liệu càng phong phú thì việc phân tích dữ liệu về một vấn đề càng được chi tiết hơn.
Tuy nhiên, độ chính xác của dữ liệu qua AL hay Google cũng cần được kiểm chứng. Mặt khác, càng nhiều dữ liệu khách nhau về một vấn đề càng làm cho người ta hoang mang và dễ bị sa lầy vào vùng “đầm lầy dữ liệu” nên các bên phải rất cân nhắc việc đưa nguồn dữ liệu, chính xác và cần thiết lên môi trường số. Tiếp cận dữ liệu, nhưng chúng ta phải biết phân tích dữ liệu. Cần xác định rõ mục tiêu khi phân tích dữ liệu trên môi trường số, phải khẳng định dữ liệu là công cụ cần thiết để đạt được kết quả.
Đồng thời, ông Hùng nhấn mạnh: “Những nhà làm dữ liệu phải có đạo đức nghề nghiệp trong việc cam kết bảo đảm bí mật dữ liệu của khách hàng. Việc cung cấp dữ liệu chính xác cùng với việc đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng sẽ giúp tiến trình chuyển đổi số quốc gia được thành công hơn”.
Cần sự chung tay của các bên
Tại diễn đàn, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cho rằng, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề, thì chúng ta cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành.
Cùng đồng hành, đồng thuận, không có nghĩa là mù quáng, không có nghĩa là không có phản biện, không có tranh đấu, là độc quyền, là độc đoán, là duy ý chí, mà cần có một cơ chế, một cơ sở để các bên đều có thể góp nên tiếng nói, góp công sức vào công cuộc chung của cả dân tộc.
Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào, chuyển đổi số là câu chuyện chung và nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công.
“Chúng ta đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu và những cơ hội - thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, do vậy không phải là kiến tạo nên những cơ chế đóng, định khuôn và những thước đo phụ thuộc bởi một hay một số tổ chức nhất định mà phải tạo ra nhưng cơ chế mở, cách thức mở” - ông Nguyễn Trường Giang khẳng định.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc đào tạo về chuyển đổi số cũng vậy, cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng, tạo điều kiện cho tất cả các bên có năng lực đều có thể tham gia vào tiến trình này, thay vì khuôn định nó trong những môi trường đóng, tạo nên những vùng hạn chế, không huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia được hiệu quả hơn như:
Việc xác định chuyển đổi số là phương tiện, mang tính tiến trình, không phải mục tiêu. Hay như những người làm chuyển đổi số cần phải biết rõ để thấy được rõ lợi ích để làm, để không đối phó, để không phong trào; nắm chắc để nắm được bản chất tránh đụng đâu làm đó; hiểu sâu để hành động cho đúng tránh kiểu nghĩ gì làm nấy.
Muốn gì để tránh làm theo kiểu ngó xung quanh làm gì mình làm theo; làm gì để biết rõ phải dựa vào đâu, tránh việc làm đại; làm như thế nào để có phương cách ngay từ đầu, tránh tình trạng vừa làm vừa tính, vừa mò...
Trúc Mai