Theo thống kê, diện tích canh tác vải niên vụ 2020 của Bắc Giang là 28.126ha. Ước sản lượng đạt 160.000 tấn (tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019). Từ giữa tháng 5/2020, vải chín sớm đã cho thu hoạch; dự kiến đến ngày 10/6, sẽ có 45.000 tấn vải được thu hoạch. Đối với 115.000 tấn vải chính vụ, thời gian thu hoạch dự kiến kết thúc trước ngày 20/7.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Để thúc đẩy tiêu thụ vải sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã đặt vấn đề xuất khẩu với đối tác nước bạn. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp với 3 DN hoàn thiện dây chuyền sơ chế vải xuất khẩu. Dự kiến, lô hàng xuất khẩu để chào hàng sẽ thực hiện vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyên gia Nhật Bản không thể sang giám sát. Điều này khiến thời gian xuất khẩu vải sẽ bị lùi lại.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này đang nỗ lực đẩy nhanh đàm phán với Nhật Bản để có phương án xuất khẩu vải tươi ngay trong niên vụ 2020. Bên cạnh đó, mở rộng đàm phán với cơ quan chức năng của hai tỉnh: Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Đối với thị trường trong nước, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải vào cuối tuần đầu tiên của tháng 6/2020. Phối hợp với tỉnh, TP tổ chức hoạt động đón đoàn xe vải thiều từ Bắc Giang đến Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Cùng với việc tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại TP Hà Nội, đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, sẽ gửi thông tin về nhãn vải niên vụ 2020 qua kênh hệ thống Tham tán thương mại tại các nước để tăng cường quảng bá.

Bộ NN&PTNT đánh giá, việc tiêu thụ vải niên vụ 2020 còn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài, cũng như những vấn đề có thể phát sinh khác từ thị trường nhập khẩu. Do đó, Bộ khuyến cáo tỉnh Bắc Giang chuẩn bị tốt phương án hàng chế biến (sấy khô, đông lạnh, đồ hộp…), nhằm kịp thời ứng phó trong một số tình huống bất lợi từ thị trường tiêu thụ vải.

Hà Trần