LTS: Thời gian qua, không ít các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra được phát hiện tại các cửa hàng nhỏ lẻ, các nhà hàng, siêu thị lớn và ngay cả những cơ sở sản xuất thực phẩm. Những vi phạm này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, đồng thời làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính...
Mặc dù đã có nhiều cải tiến và nỗ lực của chính phủ trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm, tình trạng này vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và khó khăn hơn. Việc quản lý, kiểm soát và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn muốn làm tốt cần có sự đồng lòng vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tại các địa phương. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của chủ cơ sở kinh doanh và thói quen mua sắm của người dân, góp phần tạo ra một thị trường thực phẩm thực sự minh bạch và an toàn.
Tuy nhiên, thực trạng kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang diễn ra một cách công khai tại một số địa phương.
Tòa soạn Thương hiệu và Công luận tiếp tục phản ánh tới quý độc giả những bất cập trong việc kinh doanh thực phẩm tươi sống của một siêu thị trên địa bàn thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình như là một minh chứng cho việc này.
Nhập nhèm nguồn gốc sản phẩm
Trong chuyến khảo sát các điểm kinh doanh tại tỉnh Ninh Bình, ngày 7/11/2023, phóng viên (PV) có mặt tại Siêu thị Nông sản Tiến Lý thuộc Hợp tác xã Nông sản và Du lịch Tam Điệp. Đây là một siêu thị lớn, nằm ở vị trí đắc địa ngay Quốc lộ 1A ngã ba thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Nơi đây tập trung bày bán các sản phẩm thuộc nhóm nhu yếu phẩm, phục vụ người dân quanh khu vực và hành khách di chuyển trên cung đường Quốc lộ 1A. Ghi nhận tại siêu thị này, PV cũng thấy được những “bất ổn” liên quan đến hàng hóa đang được bày bán tại đây.
Cụ thể, ngoài những mặt hàng nông sản phổ biến trong nước, chủ siêu thị này còn khéo léo bày bán nhiều trái cây bắt mắt. Bên ngoài mỗi trái cây còn được dán tem nhãn sản phẩm in chữ Trung Quốc. Cùng với đó, chủ siêu thị còn sử dụng những trái cây này để thiết kế thành những giỏ quà để bán cho khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, trên các giỏ quà này không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến đơn vị phân phối, nhập khẩu những loại trái cây trên.
Tiếp tục di chuyển vào trong siêu thị, tại quầy bán thực phẩm tươi sống cụ thể là thịt lợn, thị bò, dê,… các sản phẩm được bày bán, không tách biệt với khu vực khác, không được che đậy, bọc, dán, không rõ nguồn gốc số thực phẩm này được nhập từ đâu. Đáng chú ý, bên trên đống thịt còn đặt nguyên chậu nội tạng lợn đã qua chế biến chín, tiếp xúc gần với thực phẩm còn tươi sống. Thậm chí, khu vực bán thịt tươi sống còn ngay gần khu chế biến thực phẩm đã nấu chín bán cho khách hàng về sử dụng ngay.
Dạo quanh một vòng siêu thị, phóng viên nhận thấy mặc dù là siêu thị, nhưng đa phần những sản phẩm nông sản, nhu yếu phẩm tại đây đều không được dán tem nhãn hàng hóa. Theo đó, các sản phẩm như rau, củ, quả, hay trứng gia cầm đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung ứng là đơn vị nào. Các sản phẩm nông sản như trên vô tư bày bán như ngoài chợ, bất chấp các quy định của pháp luật liên quan.
Với những ghi nhận như trên, liệu rằng thực phẩm đang được bày bán tại siêu thị Tiến Lý, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình có thực sự an toàn?
Pháp luật quy định những gì?
Pháp luật đã quy định rất rõ và coi lĩnh vực kinh doanh buôn bán thực phẩm tươi sống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ cơ sở kinh doanh phải thiết kế các khu vực kinh doanh thực phẩm, vệ sinh, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ phải tách biệt, phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm kinh doanh, cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm, tránh gây ô nhiễm sang khu vực bên cạnh.
Tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín nêu rõ: Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh, cách xa các nguồn ô nhiễm,…
Cùng với đó, năm 2004 Bộ Thương mại cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của siêu thị chỉ rõ: Những hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị phải có mã số, mã vạch đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý của Siêu thị, Trung tâm thương mại và giám sát của khách hàng.
Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.
Ngoài ra, tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại phải có giá bán được thể hiện rõ ràng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh dịch vụ.
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng, đặc biệt siêu thị nông sản Tiến Lý là cơ sở kinh doanh hoạt động theo mô hình siêu thị, không phải là mã ngành kinh doanh thực phẩm sản phẩm nông sản lưu động hay tại chợ truyền thống. Chính vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước liên quan đến các sản phẩm mà đơn vị mình kinh doanh.
Một số hình ảnh mà PV đã ghi nhận được. (Ảnh: Cắt từ clip)
Những phản ánh trên xin được gửi tới Cục QLTT tỉnh Ninh Bình, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ. Ở bài tiếp theo, tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin được tiếp tục phản ánh tới độc giả những địa điểm khác liên quan đến thực trạng hàng giả, hàng nhái và hàng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa phương này. Cùng với đó là những thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT địa phương ngay sau khi có thông tin mới nhất.
(Còn nữa)
Tâm An