Tiếp cận thị trường lớn

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản). Bên cạnh đó, các DN ứng dụng Internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Nếu các DNNVV chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với DN chi dưới 10%.

Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Thực tế, TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, TMĐT sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.

Thương mại điện tử: Chìa khóa thành công của DN - Hình 1TMĐT giúp khách hàng tiếp cận mặt hàng dễ hơn

Các DN, đặc biệt là DNNVV khi tham gia sân chơi TMĐT sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại, cắt giảm chi phí quảng cáo, thuê mặt bằng và còn giúp DN cung cấp dịch vụ tốt, giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, sẽ có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, đạt được mạng lưới khách hàng rộng lớn và tham gia vào thương mại quốc tế để phát triển. TMĐT đang được ứng dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi và mang lại những hiệu quả tích cực.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó giám đốc khối SME, NHTM CP Phương Đông Việt Nam (OCB) cho biết, hiện nay, mỗi nhân viên làm về lĩnh vực quan hệ khách hàng của NH sẽ được trang bị smart phone, máy tính bảng để họ có thể chụp ảnh hồ sơ của khách hàng và tải trực tiếp hồ sơ đó về hệ thống của NH để xử lý giúp giảm thiểu đáng kể so với các công đoạn thủ công.

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT & kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, có nhiều DN siêu siêu nhỏ nhưng đã tận dụng được Face book và TMĐT để tiếp cận được thị trường, tiến hành TMĐT xuyên biên giới, giúp họ loại bớt những khâu trung gian và tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng, từ đó đem trực tiếp hàng hóa đến với người tiêu dùng và doanh số đạt được mỗi năm lên tới vài chục tỷ đồng…

Thay đổi để phát triển

TMĐT giúp các DN có cơ hội mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Hầu hết các trang TMĐT Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu trưng bày hàng hóa, cung cấp tiện ích lựa chọn và thanh toán đơn hàng mà chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình TMĐT khép kín.

Theo ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), để phát triển hơn thì các DN nên tập trung vào phân tích dữ liệu về khách hàng như thói quen mua hàng, sở thích, nhu cầu tương lai, quan hệ của khách hàng..., thông qua việc thu thập dữ liệu và hành vi khách hàng để nắm bắt được thông tin cần thiết về khách hàng.

Tận dụng lợi thế của mạng xã hội trong mọi hoạt động tiếp thị, kinh doanh, thu thập dữ liệu. Tập trung vào di động vì người Việt Nam có đến 84% tập trung vào smartphone và dành hơn 2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó, cần tìm một công ty có dịch vụ on cloud để có thể lưu toàn bộ thông tin, dữ liệu lưu trữ tập trung nhằm hạn chế rủi ro.

Xu hướng hiện nay là người dùng, dùng điện thoại di dộng để mua bán online. Từ thực tiễn đó, Công ty CP Công nghệ Sen đỏ đã tiếp cận bằng mobile đến người dùng để phát triển, các kế hoạch của công ty luôn ưu tiên những sản phẩm liên quan đến mobile. Không chỉ áp dụng mobile cho người mua hàng, mà Sen đỏ còn có các ap bán hàng để tiếp cận với cả người bán hàng, để họ có thể xử lý đơn hàng dễ dàng trên điện thoại di động.

Tuy nhiên, để DN có thể phát triển toàn diện, mong muốn từ phía Chính phủ, tổ chức quốc tế cần nỗ lực hành động để tiến tới giảm và loại bỏ những rào cản; có những chính sách để hài hòa các thủ tục và giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho DN đẩy mạnh lĩnh vực TMĐT.

Đỗ Uyên