Thu hoạch lúa bằng cơ giới.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh KT.

Theo đó, đến giữa tháng 08/2022, bà con đã cơ bản thu hoạch nhanh, gọn toàn bộ diện tích, với năng suất đạt 54 - 55 tạ/ha, tăng 0,3 - 0,4 tạ/ ha so với cùng kỳ năm ngoái và sản lượng cả vụ đạt trên 115.000 tấn lúa hàng hóa.

Đặc biệt, trong vụ Hè thu, giá các giống lúa đặc sản, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng đều tăng cao, nông dân rất phấn khởi. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá thành sản xuất trong vụ Hè thu năm 2022 ở mức 3.771 đồng/kg, giá lúa hàng hóa trung bình cả vụ đạt 7.500 đồng/kg, trong đó các giống lúa đặc sản như VD 20, ST 25… có giá đến 8.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân đạt lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha.

Cũng trong vụ Hè thu năm 2022, nông dân trong tỉnh quan tâm chuyển đổi sang trồng các giống lúa đặc sản, chất lượng cao như: VD 20, ST 25, nếp… đồng thời ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học nông nghiệp nhằm giành một vụ mới bội thu trong tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi, sản xuất gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, nhóm giống lúa thơm, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm đến 97,73% tổng diện tích gieo sạ, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Huyện Gò Công Tây đã hình thành vùng trồng lúa VD 20 đặc sản trên diện tích lên đến khoảng 3.000 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Đồng thời, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng rộng rãi trong sản xuất vụ Hè thu đã phát huy hiệu quả, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ Hè thu năm 2022, chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" được nông dân áp dụng trên 93% tổng diện tích gieo sạ, cơ giới hóa khâu làm đất và bơm tát chiếm 100% tổng diện tích, tỷ lệ thu hoạch bằng cơ giới đạt 100% diện tích.

Lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong vụ cũng giảm từ 10 - 15% nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học nông nghiệp vào thâm canh cũng như cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất thực tế trên đồng ruộng.

Bên cạnh đó, lúa tươi sau khi thu hoạch được thương lái thu mua toàn bộ và đưa về các cơ sở sấy lúa trước khi xay xát, chế biến, tiêu thụ. Nhờ vậy, giảm được thất thoát trong quá trình thu hoạch vốn trùng với thời điểm mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, rơm rạ cũng được tận dụng dùng máy cuốn rơm đưa về trữ phục vụ trồng màu hoặc chăn nuôi trâu bò, góp phần tăng thêm lợi nhuận đáng kể cho nông dân trong quá trình sản xuất vụ Hè thu năm 2022.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhờ các giải pháp đồng bộ thâm canh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, sản lượng giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận từ cây lúa vụ Hè thu trong tình hình vật tư nông nghiệp, nhiên liệu, công lao động tăng cao như hiện nay. Đây là nền tảng để các vụ tiếp theo tỉnh Tiền Giang tổ chức và chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp thực tiễn, giành thắng lợi một cách mỹ mãn.

PV