Qua khảo sát, tuyến luồng đường thủy thông thoáng, đảm bảo phương tiện thủy lưu thông thuận lợi, các cầu bến bằng bê tông cốt thép đảm bảo cho các phương tiện thủy đón trả hành khách, các bến gắn liền các điểm du lịch, giao thông đường bộ kết nối thuận lợi khai thác hành khách và du lịch.
![Dự kiến quý III/2022 tuyến tàu cao tốc đường thủy TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang và Bến Tre sẽ đi vào hoạt động. Ảnh: greenlinesDP Dự kiến quý III/2022 tuyến tàu cao tốc đường thủy TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang và Bến Tre sẽ đi vào hoạt động. Ảnh: greenlinesDP](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/08/14/ao-toc-1660466248.jpg)
Tuyến khảo sát: Bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - sông Nhà Bè - sông Soài Rạp - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo - sông Tiền đến cảng, bến thủy nội địa thuộc tỉnh Bến Tre (Bến phà Rạch Miễu cũ), tỉnh Tiền Giang (Bến du lịch Mê Kông Taste và Bến cảng du lịch TP Mỹ Tho) và ngược lại.
Được biết, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy để khai thác các sản phẩm du lịch đường thủy trên tuyến này.
Trước đó, vào hồi giữa tháng Sáu vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã gửi phương án tổ chức khai thác 2 tuyến vận chuyển khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh Tiền Giang cự ly khoảng 110 km, đến tỉnh Bến Tre cự ly khoảng 120 km và ngược lại.
Hướng hành trình cụ thể: Từ bến Bạch Đằng (quận 1) hoặc cảng Sài Gòn, Nhà Rồng (quận 4) – sông Sài Gòn – sông Nhà Bè - sông Soài Rạp – sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn – sông Cần Giuộc) – kênh Chợ Gạo – sông Tiền – đến cảng, bến thủy nội địa thuộc tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre và ngược lại.
Hai tuyến vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy tầm xa từ TP. Hồ Chí Minh đi tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại dự kiến được khai thác trong quý III/2022. Hai tuyến này sẽ sử dụng tàu cao tốc có sức chứa từ 75 đến 151 người/tàu. Thời gian vận hành từ 6h đến 18h hằng ngày.
Nguyễn Tùng