Những bản hợp đồng… kỳ quặc
Tiếp tục điều tra, xác minh, PV đã thu thập được những bản hợp đồng hết sức “kỳ lạ” và cũng từ những bản hợp đồng hết sức “kỳ lạ” này, người ta tiếp tục kêu gọi người đầu tư góp vốn với những lô đất “vẽ” trên giấy ?!).
PV đã tiếp tục tìm hiểu và được biết, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 về việc: “Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư - đô thị đá mài Hải Dương (thuộc phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) tỷ lệ 1/500. Quy mô tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 42.078,1 m2. Trong đó: Diện tích đất hiện trạng Công ty CP Đá mài Hải Dương 35.943,9 m2; diện tích đất quy hoạch mở rộng thêm để kết nồi với Khu đô thị Tuệ Tĩnh là 6.134,2 m2, quy mô dân cư dự kiến 928 người”.
Bản hợp đồng “kỳ lạ” được ký giữa Công ty CP Đá mài Hải Dương và Công ty ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, Công ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà (trụ sở: thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương), không hiểu căn cứ vào đâu, ngày 27/7/2016, đã tiến hành ký bản Hợp đồng hết sức “kỳ lạ” với Công ty CP Đá mài Hải Dương (Hợp đồng đền bù tài sản gắn liền với đất và hỗ trợ chi phí thực hiện di dời Công ty CP Đá mài Hải Dương) số 01/2016/HĐĐM-TH.
Hợp đồng này đã được xuất hóa đơn giá trị gia tăng
Hợp đồng có nội dung: Bên A đồng ý nhận; bên B đồng ý chi trả tiền đền bù toàn bộ tài sản, công trình xây dựng kết cấu gắn liền với đất, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên A; tại thửa đất thuộc Tờ bản đồ số B1-1--c/BĐ.ĐC; địa chỉ thửa đất: số 314, đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương; hỗ trợ chi phí thực hiện di dời Công ty CP Đá mài Hải Dương.
Giá trị của bản hợp đồng này là 65 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 10%). Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán được tính làm 3 đợt (đợt 1 trả 60%, đợt 2, 30% và đợt 3, 10%).
Thời gian bàn giao mặt bằng, tài sản gắn liền với đất: Đợt 1: Ngày 31/8/2019, bên A bàn giao ½ diện tích mặt bằng và tài sản gắn liền với đất của diện tích đó cho bên B. Đợt 2: Ngày 31/12/2019, bên A bàn giao toàn bộ diện tích còn lại và tài sản gắn liền với đất của phần diện tích còn lại cho bên B.
Sau đó, Công ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà tiến hành thanh toán đợt 1 cho Công ty CP Đá mài Hải Dương số tiền 39 tỷ đồng. Công ty CP Đá mài Hải Dương đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Nội dung hóa đơn, ghi: Đền bù tài sản gắn liền với đất và hỗ trợ kinh phí thực hiện di dời công ty theo Hợp đồng 01/2016/HĐĐM-TH, ngày 27/7/2016.
Hợp đồng kinh tế Công ty ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà ký kết với người góp vốn
Có lẽ, cũng từ bản hợp đồng đã ký với Công ty CP Đá mài Hải Dương làm “động lực” cho Công ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà, trước đây đã huy động vốn (bằng hình thức đặt cọc) có viết phiếu thu và phân lô cho người đóng góp vốn, tiếp tục tiến hành làm Hợp đồng kinh tế về việc: “Góp vốn đầu tư Dự án Khu dân cư - đô thị đá mài Hải Dương) và thu thêm người đặt cọc số tiền giá trị bằng 30% lô đất”.
Chúng tôi xin trích dẫn một số nội dung chính của một bản hợp đồng mà Công CP Thương mại & Vận tải Thái Hà đã ký kết với người góp vốn.
Trong hợp đồng ghi, rõ: Bên A, đại diện bà Phạm Thị Hoài, chức vụ Phó giám đốc và bên B: Ông, bà… (xin được giấu tên và các thông tin liên quan), đại diện góp vốn đầu tư nhận quyền sử dụng đất.
Hợp đồng có các điều khoản, như:
Điều 1: Nội dung hợp đồng: Bên A đồng ý cho bên B góp vốn đầu tư, thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư - đô thị đá mài Hải Dương, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) để bên B được mua đất của bên A khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Điều 2: Vị trí và diện tích, đơn giá ô đất bên B mua, đã được ký hiệu rõ, diện tích m2, đơn giá, thành tiền…; khi ký xong hợp đồng, bên B phải nộp cho bên A 30% số tiền giá trị ô đất đã được bên A định giá…
Hiện nay, nhiều người có được phiếu thu tiền và bản hợp đồng trong tay, đã nghĩ rằng mình đã là chủ của ô đất, ký hiệu trên bản đồ và tiến hành sang nhượng (nhiều ô đất hiện đã được sang tay từ 4 – 5 chủ, từ khi người đầu tiên đặt cọc). Điều này, cũng đồng nghĩa với việc, giá trị ô đất tăng lên gấp nhiều lần so với lần giao dịch ban đầu.
Dự án Khu dân cư - đô thị đá mài Hải Dương, vẫn đang rất “hot” tại thị trường bất động sản của TP. Hải Dương, bởi diện tích đất này nằm trong khu dân cư đông đúc, sầm uất, thuận tiện…
Việc Công ty CP Đá mài Hải Dương, đại diện là ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc và Công ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà, đại diện là ông Trần Đức Lanh, Giám đốc đã ký với nhau bản hợp đồng (đền bù tài sản gắn liền với đất và hỗ trợ chi phí thực hiện di dời Công ty CP Đá mài Hải Dương).
Thực chất, nội dung của bản hợp đồng này là bàn giao diện tích mặt bằng và tài sản gắn liền với đất (ngầm hiểu Công ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà thực sự là ông chủ của dự án).
Phiếu thu tiền người góp vốn vào Dự án Khu dân cư - đô thị đá mài Hải Dương
Không biết, dựa trên căn cứ, cơ sở nào mà 2 công ty này lại cho ra đời một bản hợp đồng “kỳ lạ” như vậy?
Không những vậy, Công ty CP Đá mài Hải Dương còn xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty CP Thương mại & Vận tải Thái Hà?
Trong khi đó, dự án này, đến nay vẫn chưa “ngã ngũ” - ai sẽ là nhà đầu tư thực sự?
Người dân TP. Hải Dương, vẫn hoàn toàn tin tưởng vào công ty huy động vốn và cho rằng, mình đã thực sự là chủ trên ô đất đã góp vốn nên vô tư sang nhượng kiếm lời, không nghĩ đến những “rủi ro” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào (?!).
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đông Phương