THCL Hội thảo về chống hàng giả và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với chủ đề “Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” đã được tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội.

Tìm giải pháp tem thông minh giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm - Hình 1

 Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia

Mở đầu hội thảo, ông Phạm Bá Dục, Phó chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội (Hatap) cung cấp thông tin: 9 tháng đầu năm 2016 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 29.403 vụ về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xử phạt hành chính với số tiền 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, bất chấp những nỗ lực của lực lượng chức năng, DN vẫn chịu thiệt hại, người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm có nguồn gốc.

Phát biểu và đánh giá cao tiêu chí hội thảo đưa ra là chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng cơ quan chức năng, hiệp hội, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh thành phố cần đồng hành, phối hợp, nhân lên điển hình tốt, kinh nghiệm tốt, tìm ra giải pháp hay để vận dụng, góp phần nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn hàng giả đang diễn ra phức tạp.

Ông Thế cho biết thêm, 10 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện 172.000 vụ vi phạm, trong đó có xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp 12.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Sự cố gắng, thành tích đó góp phần vào phát triển kinh tế, bảo vệ thương hiệu, đảm bảo an ninh trật tự, người tiêu dùng.

Hội thảo cũng lắng nghe tham luận, đề xuất của các DN như Vina CHG, NGK Việt Nam, BMB, Dược phẩm Ích Nhân trước thực trạng sản phẩm bị làm giả, làm nhái diễn ra ngày càng phức tạp. Công ty Vina CHG cũng giới thiệu giải pháp tem thông minh Vinacheck, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản trị hệ thống phân phối..

Con tem của Vina CHG ứng dụng đa công nghệ, không sao chép, làm giả, thể hiện được tính nhanh nhạy trong việc kiểm tra. Đồng thời, không sử dụng điện thoại thông minh thì cũng có thể thoa nước trên tem, sẽ thấy chữ Hàng thật xuất hiện.

Để phát triển công nghệ Vinacheck, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, tiếp cận vào các nhóm sản phẩm xã hội quan tâm, liên quan tới sức khỏe con người. Đề cập tới việc xâm nhập sâu vào vùng sản phẩm, cung ứng trên diện rộng, đại biểu tham dự hội thảo dẫn ví dụ thực trạng cam Cao Phong bán tại hội chợ, tại vườn là 30 nghìn đồng/kg, nhưng tại Hà Nội thì sản phẩm cam giới thiệu là Cao Phong nhưng chỉ bán với giá 26 nghìn đồng/kg. Như vậy, người tiêu dùng không biết cách nhận biết là cam thật hay nhái nhãn hiệu. Cho nên, giải pháp công nghệ Vinacheck cần phải lấp khoảng trống đó, để người tiêu dùng nhận diện và tìm đúng sản phẩm thật để sử dụng.

Ngoài tham luận của đại diện quản lý thị trường Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, trong khuôn khổ hội thảo, Hội chống hàng giả TP.Hà Nội đã trao bằng khen cho 15 đơn vị có thành tích trong công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu năm 2016.

Đoàn Huế