Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, bên cạnh việc lãnh đạo đường lối kháng chiến đúng đắn để đi đến thắng lợi cuối cùng, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chính phủ) đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương và thi hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. Để thực hiện phương châm “kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”, Chính phủ đã xây dựng chính sách huy động sử dụng dân công tham gia phục vụ kháng chiến.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chính sách huy động và sử dụng dân công
Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950), cục diện chiến tranh đã thay đổi theo hướng có lợi cho quân và dân ta. Thế bao vây, kìm kẹp của địch bị phá vỡ, đường sang Trung Quốc và thế giới khai thông, ta giành lại thế chủ động trên toàn chiến trường Bắc Bộ, đồng thời mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.
Tháng 02/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II được tổ chức ở xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), Chiêm Hóa, Tuyên, Quang. Đảng chính thức hoạt động công khai với tên gọi: Đảng Lao động Việt Nam.
Để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong dân công phục vụ lâu dài cho kháng chiến, đầu năm 1951, Chính phủ giao Bộ Lao động phụ trách tổng động viên nhân lực và phân phối dân công để cung cấp cho các nhu cầu quân sự và các hoạt động của Chính phủ.
Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 04/1951, Chính phủ đã thông qua văn bản “Nhưng điểm cần thiết để hướng dẫn sự thi hành đúng chính sách huy động dân công” do Bộ Lao động trình (1). Văn bản này đã giải thích rõ hơn về thẩm quyền huy động, phân phối dân công.
Ngay sau phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ngày 26/04/1951, Bộ Lao động tiếp tục ban hành Thông tư số 22-LĐ-TT thực hiện chính sách huy động và sử dụng dân công (2).
Thông tư quy định những nguyên tắc chính về huy động và sử dụng dân công để các cơ quan sử dụng chú ý: Phải nắm vững tư tưởng trường kỳ không được làm kiệt sức dân; Không huy động làm ảnh hưởng đến tăng gia sản xuất nông nghiệp, phải công bằng; Sử dụng dân công phải hợp lý, tránh tình trạng sử dụng vô lý, bừa bãi, làm phung phí sức dân, tốn công quỹ,...; Tổ chức phải cho khéo (Cán bộ huy động dân công, cán bộ chuyên môn thực sự phải thấm nhuần quan điểm nhân dân, yêu mến nhân dân, chăm nom, săn sóc dân,...).
Năm 1952, sau thắng lợi chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), nhu cầu nhân lực phục vụ cho kháng chiến ngày càng lớn, nhất là lực lượng dân công phục vụ cho Chiến dịch Tây Bắc (1953).
Tuy nhiên, trong thực tế việc huy động dân công lại gặp không ít khó khăn do việc tổ chức dân công ở nhiều địa phương còn nhiều thiếu sót, gây lãng phí sức dân, ảnh hưởng đến việc sản xuất.
Chính vì vậy, ngày 14/07/1952, Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 185-TTg quy định tạm thời về huy động và sử dụng dân công 03 làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng dân công được đảm bảo, hợp lý.
Điều lệ quy định: Công dân từ 18 – 50 tuổi có bổn phận đi dân công (việc quy định độ tuổi đi công dân từ 18 – 50 tuổi là để tránh tình trạng huy động trẻ em và người già cho đủ số người). Các trường hợp được miễn đi dân công: Thương binh, người tàn tật không thể làm lụng được, người ốm lâu năm có giấy thầy thuốc chứng nhận hay bố mẹ có 03 con đi bộ đội...
Ngoài ra, Điều lệ còn quy định trường hợp được tạm miễn, giảm ngày đi hoặc được hoãn đi dân công; quyền lợi, chế độ dưỡng sức dân công; chế độ cho dân công phục vụ tiền tuyến bị thương nặng hay bị bệnh nặng...
Về những việc cần huy động dân công, Điều lệ quy định các việc: chuẩn bị chiến trường phục vụ chiến dịch, làm công tác cấp bách trong khi thu hồi các đô thị, vận tải lương thực, tiền bạc, dụng cụ, vật liệu cho Chính phủ, cho bộ đội, làm và sửa chữa đường, cầu, đặt đường dây thép, đắp đê, hộ đê, bảo vệ và sửa chữa các công trình, bảo vệ mùa màng, ngăn địch, làm công sự, cấp cứu,...
Về sử dụng dân công, Điều lệ quy định các cơ quan có quyền sử dụng dân công gồm: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục cung cấp, Bộ Tư lệnh liên khu, các ban chỉ huy từ cấp Tiểu đoàn trở lên của bộ đội chủ lực ở địa phương; Chính phủ Trung ương, Ủy ban kháng chiến hành chính các liên khu, Ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh, Giao thông công chính cấp tỉnh trở lên, Sở kho thóc; Cơ quan y tế của Bộ quốc phòng,...
Đối với thẩm quyền huy động dân công, Điều lệ quy định: Các Ủy ban kháng chiến hành chính từ cấp tỉnh trở lên có quyền ra mệnh lệnh huy động dân công, trong một số trường hợp cấp bách Ủy ban kháng chiến hành chính cấp huyện, xã có quyền huy động dân công.
Ngoài ra, Điều lệ còn hướng dẫn việc tổ chức dân công như: cách lấy dân công, sắp xếp dân công thuộc diện biên chế, chế độ làm việc và tiêu chuẩn tính công, tổ chức giúp đỡ các gia đình đi dân công; nhiệm vụ và quyền lợi của cán bộ dân công,...
Bước vào những tháng cuối cùng của năm 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang năm thứ 8. Sau những thắng lợi của các chiến dịch lớn như: Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào, cục diện chiến trường đã có những biến đổi quan trọng, ta bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 – 1954 và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ở thời điểm này, nhu cầu nhân lực vật lực bảo đảm cho cuộc kháng chiến đòi hỏi ở hậu phương là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, việc động viên sức lực toàn dân gặp không ít khó khăn do nhiều nơi việc huy động dân công còn chưa được công bằng hợp lý, việc sử dụng vẫn còn nhiều khuyết điểm. Để khắc phục những hạn chế này, ngày 10/09/1953, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 308-TTG sửa đổi bản Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công ngày 14/07/1952 (4).
Nghị định có một số điều mới với các nội dung như sau:
- Các trường hợp được miễn đi dân công: Thương binh, người tàn tật không thể làm lụng, vợ người thương binh bị tàn phế, vợ (hoặc chồng) người dân công bị tàn phế, người ốm lâu năm có chứng nhận, gia đình có 03 con đi bộ đội;
- Tạm miễn đi dân công: phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con trong thời hạn 01 năm sau sinh, người gia đình nghèo mà lại là lao động chính trong gia đình...
Ngoài ra, Nghị định quy còn quy định cụ thể một số trường hợp được hoãn đi dân công.
Về thù lao, Điều lệ quy định dân công thường được cấp 1kg gạo 16 gam muối/ngày, hộ lý: 1kg 200 gạo và 16gam muối/ngày, chèo thuyền: 1kg 400 gạo và 16 gam muối/ngày.
Về chế độ nghỉ dưỡng, thương bệnh binh: dân công làm 06 ngày liên tiếp được nghỉ 01 ngày, 05 đêm liên tiếp được nghỉ 01 đêm.
Trường hợp dân công bị thương nặng do chiến tranh, hoặc tai nạn lao động được đưa vào điều trị tại các bệnh viện quân y hoặc dân y, được hưởng chế độ của thương binh.
Người ốm nặng trong thời gian phục vụ được đưa vào các bệnh viện quân, dân y và được cấp gạo mỗi ngày để bồi dưỡng sức khỏe. Dân công bị tàn phế được chính quyền địa phương săn sóc giúp đỡ.
Trường hợp dân công hy sinh được mai táng theo chế độ của bộ độ và tùy theo hoàn cảnh gia đình của người hy sinh sẽ được chính quyền giúp đỡ....
Ngoài ra, Nghị định còn quy định một số tiêu chuẩn chung để tính công dựa trên khối lượng công việc đã làm, cách chi trả thù lao và chi trả tiền công cho dân công.
Nhằm đáp ứng nhu ngày càng cấp thiết của kháng chiến theo yêu cầu của Trung ương, đồng thời để kiện toàn lại tổ chức bộ máy dân công từ Trung ương đến địa phương cho phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 27/07/1953 về thành lập các Hội đồng Cung cấp mặt trận, tháng 11/1953, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập Ban Dân công Trung ương, các ban dân công khu, tỉnh huyện xã (5).
Theo Nghị định, Ban Dân công Trung ương trực thuộc Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương; Ban Dân công địa phương đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp.
Ban Dân công các cấp có nhiệm vụ phổ biến học tập chính sách, điều lệ về dân công; hướng dẫn và theo dõi việc bình nghị, phân loại dân công, nắm khả năng nhân lực của địa phương; tập trung nhu cầu về nhu cầu dân công của các ngành; đặt kế hoạch huy động, điều hòa và phối hợp các việc huy động và phân phối nhân công; kiểm tra đôn đốc theo dõi việc thi hành chính sách và điều lệ dân công; nghiên cứu và đề nghị các vấn đề xây dựng chính sách dân công.
Như vậy, cùng với việc xác định công tác dân công là công tác trọng yếu, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến, Chính phủ cùng các ngành các cấp đã tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định về huy động và sử dụng dân công, từng bước kiện toàn bộ máy dân công từ trung ương tới địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của kháng chiến.
Các chế độ chính sách cho người đi làm nghĩa vụ dân công; trách nhiệm huy động, thẩm quyền sử dụng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ dân công... được Chính phủ quy định một cách hợp lý để việc thực hiện việc huy động dân công phục vụ cho kháng chiến ngày một hiệu quả.
Kết quả của việc huy động, sử dụng dân công trong kháng chiến chống Pháp và những đóng góp của lực lượng dân công cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Từ năm 1950 đến 1953, để trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho mặt trận, Đảng, Chính phủ cùng các ngành, các cấp đã huy động được tổng số dân công từ Khu 5 trở ra là: 3.600.000 người với 48.500.000 ngày công, trong đó có tới 20.000.608 ngày công làm cầu đường (6).
Từ tháng 02/1953 cho đến tháng 06/1954, Đảng, Chính phủ cùng các ngành, các cấp đã huy động số lượng nhân lực và phương tiện lớn phục vụ tiền tuyến và đảm bảo cầu đường cho Chiến dịch Trung Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Số liệu thống kê (7) cụ thể như sau:
* Cho chiến dịch Trung Lào
Đối tượng | Nghệ An | Hà Tĩnh | Quảng Bình | Tổng cộng |
- Dân công | 17.000 | 27.300 | 16.300 | 60.600 người |
- Thanh niên xung phong | 1.300 | 1.000 | 300 | 1.300 người |
- Nhân lực sửa chữa đường | 1.300 người |
Cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Phương tiện | Khu Tây Bắc | Liên khu Việt Bắc | Liên khu III | Liên khu 4 | Tổng cộng | ||||
Cho tiền tuyến | Tuyến liên khu | Cho tiền tuyến | Tuyến liên khu | Cho tiền tuyến | Tuyến liên khu | Cho tiền tuyến | Tuyến liên khu | ||
Dân công bộ Ngựa thồ Xe đạp Xe trâu Xe ngựa Thuyền Xe cút kít Xe xích lô Xe ô tô | 31.818 782 83 | 25.993 5.857 3.130 | 4.900 403 80 | 500 730 44 | 19.050 1.251 185 95 405 6 10 | 6.654 4.283 | 167.484 42 6.817 646 381 1.125 551 | 255.899 người 824 con 19.341 chiếc 911chiếc 520 chiếc 3.535 tấn tức 1.125 chiếc 551 chiếc 6 chiếc 10 chiếc |
(Riêng xe ô tô không kể số xe của Tổng Cục cung cấp và của Hội đồng Cung cấp mặt trậnTrung ương)
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, do có sự chuẩn bị kỹ càng và coi việc đi phục vụ tiền tuyến là một vinh dự, một nhiệm vụ cao quý. Chính quyền các cấp đã quan tâm giúp đỡ về mọi mặt về tinh thần và vật chất, nên anh chị em dân công rất an tâm, hăng hái, nhiệt tình trong mọi công tác kháng chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng Cung cấp Trung ương, Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp, Ban Dân công Trung ương, sự ủng hộ to lớn của nhân dân các địa phương.... lực lượng dân công đã lập nên nhiều thành tích đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch, tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của quân đội ta.
Theo Báo cáo số 893-BC, ngày 10/07/1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương, công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ8 kể từ lúc hành quân đến khi kết thúc chia làm nhiều đợt đã đảm bảo cung cấp cho bộ đội ở tiền tuyến tổng cộng: 12.119 tấn gạo, 570 tấn thịt, 512 tấn thức ăn khô, 61 tấn đường, 259 tấn muối...
Trên thực tế ta huy động được tận gốc từ các địa phương với sức người, sức của lớn hơn rất nhiều, số lượng tổng cộng: 24.086 tấn gạo, 907 tấn thịt, 918 tấn thức ăn khô, 62,7 tấn đường, 266 tấn muối, 10.900.000 nhật công, chưa kể Việt Bắc chưa tính thành nhật công.
Bên cạnh đó, lực lượng dân công còn đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo cho giao thông trên tuyến đường dài tới 450 cây số. Tổng cộng có 10.270 người tham gia (tương đương 1.311.000 công nhật) làm đường, phá bom, chống địch phá hoại đảm bảo giao thông trong toàn chiến dịch.
Về đảm bảo thông tin liên lạc, lực lượng dân công đã góp phần vào việc đặt 258 km dây điện thoại, bảo đảm đường dây liên lạc ổn định và nhanh chóng (trung bình mỗi ngày chuyển 150 bức điện, 130 – 150 cuộc đàm thoại).
Về vận tải, cùng với lực lượng vận tải cơ giới, lực lượng dân công bộ, xe đạp thồ đã góp phần to lớn vào thành tích chung trong hoạt động vận tải: 1.486.734 tấn/km. Trong hoạt động này, có nhiều chiến sĩ và đơn vị đạt những thành tích rất cao: có cá nhân khuân vác lên tới 100kg, vận chuyển bằng xe đạp lên tới 320kg...
Thành tích của các cá nhân trên có được là do chính sách làm khoán tăng năng suất và các phong trào thi đua tăng năng suất liên tục được đẩy mạnh tại các các đơn vị.
Ngoài ra, trong Chiến dịch lực lượng dân công còn đóng góp hàng trăm ngàn công vào việc cân, đo, bốc vác, làm kho lán bảo quản gạo, góp phần giảm hao hụt, tránh được lãng phí lớn và bảo đảm chất lượng của gạo cho bộ đội ở tiền tuyến.
Về công tác huy động nhân tài, vật lực các khu, tỉnh và các ngành
Khu Tây Bắc với vị trí chiến lược bao bọc Điện Biên Phủ đã đảm nhiệm tới 1/2 tổng lượng gạo theo yêu cầu của bộ đội tại tiền tuyến, góp phần hạn chế hao hụt do phải vận chuyển từ xa. Tổng huy động của Tây Bắc là: 7.143 tấn gạo, 389 tấn thịt, khoảng 800 tấn rau. Riêng dân công Tây Bắc đóng góp tới 31.818 dân công ngắn hạn và 1.296.078 công làm cầu đường.
Khu Việt Bắc huy động được 4.660 tấn gạo, 177 tấn thức ăn khô, 394 tấn thịt, 42 tấn đường, 8.065 xe đạp. Dân công Việt Bắc huy động được tổng cộng 36.519 người (chủ yếu dân công hỏa tuyến).
Khu III huy động được 1.485 tấn gạo, 51 tấn thức ăn khô, 33 tấn thịt, 126 tấn muối, 02 tấn đường, 1.712 xe đạp, 6.400 dân công.
Thanh Hóa từ trước vẫn được coi là kho dự trữ lớn nhất của Chiến dịch đã cung cấp chủ yếu các loại thức ăn khô. Tổng huy động của Thanh Hóa là: 3.994 tấn gạo, 320 tấn thức ăn khô, 18 tấn thịt, 18 tấn đường, 18 tấn muối, 11.214 xe đạp (bao gồm cả Nghệ An). Đặc biệt, Thanh Hóa huy động được một lực lượng dân công lớn, chiếm đa số nhân lực vận tải với 186.714 người.
Tóm lại, qua số liệu trên, có thể nhận thấy số lượng huy động nhân vật lực từ các địa phương lớn là rất lớn. Ngoài số lượng cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến còn phải cung cấp cho công tác tổ chức vận chuyển, làm cầu đường, đảm bảo giao thông… phục vụ Chiến dịch.
Việc vận chuyển cung cấp hậu cần cho chiến dịch dựa khá nhiều vào sức người và phương tiện thô sơ, nên việc cung cấp gặp không ít khó khăn, một phần lớn lương thực thực phẩm phải giành cho những người vận chuyển và những người tham gia phục vụ tại hậu tuyến và trung tuyến. Qua những con số thống kê ta mới thấy được sự vĩ đại mà những người dân công hỏa tuyến thời đó đã làm được.
Đúng như một nhận xét trong báo cáo của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương: “chẳng những địch phải khiếp sợ, mà chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Nó nói lên sức vĩ đại của nhân dân ta, nó làm cho chúng ta càng thêm tin tưởng cách mạng có sức mạnh vô địch” (9).
Sức mạnh tổng hợp của dân tộc suy cho cùng là bắt nguồn nhân dân, bởi lẽ mọi thắng lợi của dân tộc ta trong lịch sử đều có sự hậu thuẫn trực tiếp (sức người, sức của) của nhân dân, sự che chở, và đùm bọc của nhân dân,...
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, do tương quan mọi mặt giữa ta và lực địch quá chênh lệch, khi mà quân số vũ khí và trình độ chiến đấu của địch gấp ta nhiều lần, nên việc lựa chọn đường lối “chiến tranh nhân dân”, “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, “nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, phát huy truyền thống bất khuất của dân tộc” là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc Đảng và Chính phủ chủ trương, thi hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, trong đó có chính sách huy động và sử dụng dân công phục vụ cho kháng chiến đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Đó chính là cội nguồn sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn
Chú thích:
1) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (TTLTQG), Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 4, năm 1951, tr 62 – 65.
2) TTLTQG, Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 4, năm 1951, tr 60-62.
3) TTLTQG, Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 6, năm 1952, tr 100-103.
4) TTLTQG, Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 9-10, năm 1953, tr 109-112.
5) Điện Biên Phủ Văn kiện Đảng, Nhà nước. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – năm 2004, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ tháng 11/1953, tr 827 – 829.
6) Sđd, Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trước Quốc hội (Khóa thứ III, ngày 1, 2, 3, 4, tháng 12 năm 1953), tr 849.
7) Sđd, Báo cáo số 898-VF/HD, ngày 11/7/1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương về tình hình dân công trong 8 tháng từ tháng 11 cho đến tháng 6 năm 1954, tr 895-896.
8) TTLTQG, Bộ Lao động, hồ sơ 663, Báo cáo số 893-BC, ngày 10/07/1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương về công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ tờ 45-87. Sđd, , tr 860 - 868.
9) TTLTQG III, Phông Bộ Lao động, hồ sơ 663, Báo cáo số 893-BC, ngày 10/07/1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương, Sđd, tr 861.
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ