Khan hiếm xăng dầu, giá tăng dầu tăng... ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống đã làm "nóng" hội trường buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế và nhất là nhân dân rất muốn biết chi phí doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chiết khấu, doanh nghiệp trong nước sản xuất... cụ thể như thế nào? Chính vì quá nhiều bộ, ngành quản lý mặt hàng xăng dầu nên Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đăng đàn và đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương làm đầu mối tất cả vấn đề liên quan đến xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thì giải trình tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV rằng, liên quan đến xăng dầu, có tới 06 bộ, ngành cùng quản lý.
Và thế là cứ phạt, cứ đưa ra chính sách hỗ trợ (từ quỹ bình ổn giá) cuối cùng, người dân đi mua cũng phải xếp hàng dài để chờ, thậm chí gần 60 phút mới mua được bình xăng, tức là khan hiếm là có thật vì đại lý và cửa hàng xăng dầu khẳng định, bán nhiều lỗ nhiều, thì không nhập, không bán nữa cho đỡ lỗ.
Vậy, thực chất chi phí như thế nào? Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công Thương cung cấp thông tin để đưa ra các giải pháp, biện pháp, trình Chính phủ giải quyết, ổn định tình hình xăng dầu trong nước.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã đề nghị Bộ Công Thương cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí xăng dầu.
Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được công văn của Bộ Công Thương.
Theo Bộ Tài chính, để bảo đảm tính kịp thời, giải quyết dần các vấn đề liên quan đến xăng dầu, gây bức xúc, ảnh hưởng tới đời sống xã hội, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp và có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 05/11/2022 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.
Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng đã gửi công văn hỏa tốc đến 10 doanh nghiệp đầu mối để đôn đốc báo cáo về chi phí xăng dầu.
Bộ Tài chính cũng cho biết, từ 21/10 đã có văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ này đã đề nghị báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh xăng dầu. Song đến nay, Bộ Tài chính cũng chưa nhận được báo cáo của đơn vị.
Để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại công văn số 10856 về Bộ Tài chính chậm nhất trong ngày 03/11/2022.
Thạch Thảo (t/h)