Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp chế biến thực phẩmTín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, đồng thời bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020, đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, đại dịch lại là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ 4.0 vào chế biến, sản xuất để biến “nguy thành cơ”, bởi người tiêu dùng vẫn có nhu cầu rất lớn về thực phẩm.

Thống kê cho thấy, thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35%). Do vậy, các doanh nghiệp này vẫn có sự tăng trưởng đều đặn.

Trong tháng 8/2020, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) hoạt động chế biến và tiêu thụ tôm đã phá vỡ các kỷ lục trước đó, với doanh số đạt gần 24 triệu USD.

Lũy kế 8 tháng, doanh số của công ty đạt 120,6 triệu USD (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019). Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân khoảng 8% của toàn ngành tôm.

Tại Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An, trong 7 tháng năm 2020, doanh thu đạt 2.615 tỷ đồng và lợi nhuận 89 tỷ đồng, tăng mạnh lần lượt 30% và 64% so với cùng kỳ 2019. Trung bình mỗi ngày, công ty này thu hơn 12 tỷ đồng và lãi hơn 420 triệu đồng.

KIDO Foods là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn KIDO về thực phẩm đông lạnh cũng đạt doanh thu 832 tỷ đồng trong 7 tháng năm 2020, đạt 94% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Visimex, Thân Văn Hùng cho biết, các doanh nghiệp không thể chậm chân trong việc tìm cách thích nghi với dịch bệnh Covid-19. Do chủ động phát triển vùng nguyên liệu nông sản hữu cơ nên Visimex không nằm trong tình trạng thiếu đơn hàng, thậm trí, không đủ hàng để bán.

Tổng giám đốc Thân Văn Hùng nhấn mạnh: Với nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm đã nghĩ tới việc mở rộng thị trường, vươn xa hơn để gia tăng giá trị hàng hóa, khẳng định giá trị thương hiệu.

Visimex đang tập trung sản xuất hàng thực phẩm để cung ứng cho thị trường nội địa và thế giới. Sản phẩm của doanh nghiệp nếu đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá trị sẽ tăng lên từ 200 - 300 USD/tấn, hàng hữu cơ tăng tối thiểu 30% giá trị.

Khi ra thế giới, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định, nên đòi hỏi doanh nghiệp phải tự nâng cấp nhiều về cơ sở vật chất, năng lực sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, môi trường, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội.

Theo ông Nguyễn Đắc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Trung: Để có nguyên liệu cho sản xuất, doanh nghiệp phải tạo mối liên kết với hàng nghìn hộ nông dân, xây dựng chuỗi liên kết cho chính doanh nghiệp để phát triển bền vững.

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ chiếu xạ, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi hiện nay, doanh nghiệp miền Bắc phải đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản vào miền Nam để chiếu xạ nên tốn kém nhiều chi phí.

Đối với ngành chế biến thực phẩm, nhà cung cấp cần phải đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn với người tiêu dùng.

Vụ việc nhiều người dân bị ngộ độc khi sử dụng sản phẩm của pate Minh Chay là một cảnh báo đối với các doanh nghiệp trong ngành này. Bởi khi ra thị trường dù là trong nước hay quốc tế, nếu những sai phạm này xảy ra, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với rủi ro về pháp lý, tài chính mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm Việt Nam, ông Nguyễn Đắc Minh nhấn mạnh!

Nguyễn Kiên