Nội dung văn bản nêu rõ: Phản ánh cử tri huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) về việc suối Cái đoạn chảy qua xã Yên Sơn và Yên Lương (Thanh Sơn) bị ô nhiễm là do nhà máy giấy Thuận Phát xả thải; hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo, nước thải sau xử lý có màu nâu đậm, vẩn đục.

Sở TNMT tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà máy giấy Thuận Phát: Chấp hành nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; xử lý nước thải đảm bảo theo các quy chuẩn môi trường trước khi xả thải; lập phương án xử lý triệt để nước thải và gửi về Sở TNMT trước ngày 30/6/2017.

Tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà máy giấy Thuận Phát báo cáo phương án xử lý triệt để nước thải - Hình 1

Tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà máy giấy Thuận Phát báo cáo phương án xử lý triệt để nước thải - Hình 2

Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy giấy thuận Phát chưa đảm bảo

Văn bản chỉ đạo của Sở TNMT là vậy! Thực tế, tại nhà máy giấy Thuận Phát, công nghệ, dây chuyền sản xuất giấy đã xuống cấp, lạc hậu. Hệ thống xử lý nước thải thô sơ, thiết bị vận hành hoen gỉ, hồ điều hòa nước thải màu đen kịt, sủi bọt, hôi thối; nước thải đặc đóng thành bánh; điểm cống nơi tiếp nhận nguồn nước đã qua xử lý xả thải ra môi trường nước màu đục vàng…

Ngoài ra, trong khuôn viên sản xuất giấy không phân biệt khu xử lý nguyên liệu, khu để hóa chất, khu sản xuất, khu để thành phẩm. Toàn bộ quy trình sản xuất giấy được gói gọn chung trong nhà xưởng thông nhau giữa các khâu từ xử lý nguyên liệu đầu vào, chế biến thành phẩm, kho chứa hóa chất…

Tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà máy giấy Thuận Phát báo cáo phương án xử lý triệt để nước thải - Hình 3

Tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà máy giấy Thuận Phát báo cáo phương án xử lý triệt để nước thải - Hình 4

Tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà máy giấy Thuận Phát báo cáo phương án xử lý triệt để nước thải - Hình 5

Công tác chấp hành môi trường của nhà máy giấy Thuận Phát chưa đảm bảo

Đặc biệt nguy hiểm, kho hóa chất chứa lưu huỳnh của nhà máy giấy đặt ngay trong khuôn viên sản xuất, nơi máy móc chạy ầm ầm, dưới nền ẩm thấp, mái che chắn xập xệ; không có thiết bị bảo quản, PCCC…

Trao đổi với PV, ông Bùi Trọng Tâm, Giám đốc nhà máy giấy Thuận Phát cho rằng: Công ty, một vài năm gần đây sản xuất ra giấy nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn nên nhà máy gặp khó khăn về tài chính. Do đó, để đầu tư công nghệ, dây chuyền mới sản xuất, khắc phục vấn đề về môi trường trong thời gian này sẽ rất khó khăn. Để tăng cường công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, Công ty Thuận Phát đang nỗ lực tìm ra những biện pháp thiết thực.

Tuy nhiên, biện pháp mà ông Tâm nói chỉ chung chung và dừng lại ở khẩu hiệu: “Chúng tôi đang tích cực thực hiện biện pháp để bảo vệ môi trường!”.

Còn thực tế, biện pháp giải quyết triệt để ô nhiễm là đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất, hệ thống xử lý nước thải thì tuyệt nhiên ông Tâm không đề cập đến?

Theo đúng nội dung chỉ đạo của Sở TNMT Hòa Bình, đến 30/6, nhà máy giấy Thuận Phát chưa có phương án xử lý triệt để nước thải gửi Sở TNMT Hòa Bình, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần vào cuộc quyết liệt, có biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc xả thải nước chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường của nhà máy giấy Thuận Phát.

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã có loạt bài viết về việc nhà máy giấy Thuận Phát xả thải gây ô nhiễm suối Cái đoạn qua huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Về việc này, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng TNMT huyện Thanh Sơn cho biết: Có 2 biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở suối Cái: Thứ nhất, Nhà máy giấy Thuận Phát cần phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu hoặc là phải đóng cửa nhà máy.

Hoan Nguyễn