Nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào

Trước mùa mưa 2017, khả năng vỡ đập chính hồ Núi Cốc tại Thái Nguyên hiện rất cao khiến nhiều người lo ngại.

Tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Hồ Núi Cốc - Hình 1

Khoan thăm dò chất lượng thân đập chính hồ Núi Cốc để xây dựng phương án gia cố, sửa chữa

Hồ Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo ở Thái Nguyên được đưa vào khai thác năm 1978. Hồ có đập chính dài 480m và cao hơn 49m. Đây là công trình nằm trong danh mục 6 hồ chứa thủy lợi quan trọng cấp Quốc gia.

Mỗi năm hồ đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp của hơn 30.000ha hoa màu và cung cấp gần 200.000 m3 nước mỗi ngày cho tỉnh Thái Nguyên, ngoài ra còn phục vụ thủy lợi cho tỉnh Bắc Giang với dung lượng 30 triệu m3/năm. 

Ở độ cao 38m của đập chính đã liên tiếp xuất hiện những vết rò rỉ nước, gãy đổ làm tụt tấm lát mái và thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.

Theo kiểm tra, khảo sát của cơ quan chuyên môn đã phát hiện, đập chính của Hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm vai đập phía bờ hữu từ cao trình +45m đến +46m. Một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập với cao trình +38m, rộng khoảng 150m2.

Tại cao trình từ +42m đến +44m bờ tả có hiện tượng thấm nhiều. Rãnh thoát nước hạ lưu đập bị gãy đổ dài 200m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8m. Mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.

Tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Hồ Núi Cốc - Hình 2

Khoan thăm dò chất lượng thân đập chính hồ Núi Cốc để xây dựng phương án gia cố, sửa chữa

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nguyên nhân gây nên sự cố ban đầu được xác định, hệ số thấm trong đất của nền đập đã vượt quá giới hạn cho phép; đống đá tiêu nước cũng bị hỏng”.

Phòng chống vỡ đập?

Trước tình trạng đập Hồ Núi Cốc đang bị sụt lún, hư hỏng nặng và có nguy cơ bị vỡ bất kể lúc nào, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có Quyết định về việc “công bố tình trạng khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ gây mất an toàn đập” và đã xử lý bước đầu và đề ra những phương án cụ thể phòng chống vỡ đập hồ Núi Cốc.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Hồ Núi Cốc - Hình 3

Tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Hồ Núi Cốc - Hình 4

Ở vùng thấm, vệt nước khá rõ ràng, đã tạo nên những vết rêu mốc có thể quan sát rõ bằng mắt thường

Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thủy lợi hồ Núi Cốc và nhân dân vùng hạ du; đồng thời đảm bảo phát triển đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu dùng nước sản xuất, sinh hoạt kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên, cho biết: Qua quá trình khảo sát và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên quyết định phương án sửa chữa ban đầu là khoan phụt để chống thấm, đảm bảo an toàn cho đập chính.

“Hiện, mực nước tại hồ Núi Cốc đang ở mức thấp nên những vết thấm chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần có những biện pháp sửa chữa kịp thời để ngăn ngừa trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Ưu tiên số 1 là di dời dân cư khu vực xung quanh hồ đến nơi an toàn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, nông sản của người dân khi sự cố xảy ra.

Nếu không xử lý kịp thời thì khi mực nước dâng cao 46,5 m thì đập chính hồ Núi Cốc sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm và có khả năng xảy ra vỡ đập”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Hồ Núi Cốc - Hình 1

Tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Hồ Núi Cốc - Hình 6

Đơn vị thi công đang vào cuộc khắc phục sự cố tại đập Hồ Núi Cốc

UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở NN&PTNT tiến hành cảnh báo và đặt biển báo khu vực đang có sự cố thấm thân đập; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến thấm và tiến độ khắc phục khẩn cấp về tỉnh.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, có giải pháp khắc phục ngay, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ và các thông tin cảnh báo để chủ động tham mưu các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương vùng hạ lưu thông báo rộng rãi tình trạng khẩn cấp này. Các địa phương, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Hoan Nguyễn