Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế Thu nhập cá nhân. Xoay quanh đề xuất này, có một số ý kiến cho rằng, song song với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế Thu nhập cá nhân, cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ kinh doanh. Tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế Thu nhập cá nhân có quy định, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế Thu nhập cá nhân theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế Thu nhập cá nhân.

Áp dụng giảm trừ gia cảnh cho hộ, cá thể kinh doanh khi tính thuế thu nhập cá nhân là không phù hợpÁp dụng giảm trừ gia cảnh cho hộ, cá thể kinh doanh khi tính thuế thu nhập cá nhân là không phù hợp

Lý giải về mức ấn định này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh (Tổng cục Thuế) cho biết, việc xây dựng biểu thuế Thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh phải đảm bảo 2 nguyên tắc: Hộ kinh doanh được áp dụng tỷ lệ chi phí như doanh nghiệp siêu nhỏ; đảm bảo được tính thêm khoản giảm trừ gia cảnh theo hình thức xây dựng mức điều tiết thuế Thu nhập cá nhân thấp hơn mức thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13, để đáp ứng yêu cầu đơn giản, hiệu quả trong chính sách và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, ngoài việc áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng tương tự như doanh nghiệp, thì thuế Thu nhập cá nhân được áp dụng Biểu thuế suất thuế Thu nhập cá nhân toàn phần trên doanh thu với các mức thuế suất của 3 nhóm ngành nghề chính là từ 0,5% (thương mại), 2% (sản xuất, vận tải), 5% (dịch vụ) mà không áp dụng giảm trừ gia cảnh.

Bà Tạ Thị Phương Lan giải thích: “Đối với ngành thương mại, tỷ lệ thuế Thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ là 1% tính trên doanh thu, nếu quy ngược lại theo thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường của doanh nghiệp là 20% thì tổng chi phí được tính là 95%. Hay có thể hiểu, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ thì tỷ lệ thuế Thu nhập doanh nghiệp điều tiết chỉ là 1%, lợi nhuận sau thuế là 4% và tổng chi phí là 95%. Đối với hộ kinh doanh cùng ngành nghề thương mại chỉ áp dụng thuế suất thuế Thu nhập cá nhân trên doanh thu là 0,5%, thì cũng được xác định là tỷ lệ điều tiết thuế Thu nhập cá nhân thấp hơn doanh nghiệp 0,5%, lợi nhuận sau thuế cao hơn doanh nghiệp 4,5%, tổng chi phí tương ứng doanh nghiệp 95%. Tương tự như vậy, đối với ngành dịch vụ, sản xuất thì tỷ lệ điều tiết thuế Thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh đều thấp hơn doanh nghiệp nhằm mục đích tăng phần lợi nhuận sau thuế so với doanh nghiệp, bù đắp cho khoản giảm trừ gia cảnh đối với hộ kinh doanh”.

Bà Tạ Thị Phương Lan cho rằng, ngưỡng doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống dùng để xác định hộ kinh doanh quy mô quá nhỏ không thuộc diện chịu thuế để giảm tải công tác quản lý thuế. Ngưỡng doanh thu này không có ý nghĩa tương đương với mức giảm trừ gia cảnh. Do đó, đối với hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, thì việc tính thuế được tính từ đồng đầu tiên, đồng thời yếu tố chi phí và giảm trừ gia cảnh sẽ được thực hiện thông qua việc áp dụng các mức thuế suất thấp như quy định tại Luật.

Ngọc Khánh