Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tại phiên tư vấn, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan) sẽ giới thiệu tổng quan thị trường các sản phẩm chè và cà phê tại Ấn Độ; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang Ấn Độ. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu tại Ấn Độ sẽ chia sẻ một số điều cần biết khi kinh doanh với thị trường Ấn Độ.
Việt Nam và Ấn Độ tuy có điều kiện tự nhiên tương đồng nhưng là hai thị trường có thể bổ sung cho nhau. Với dân số trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trong đó có chè, cà phê.
Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe và y học của các biến thể trà xanh và hữu cơ cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường.
Bên cạnh đó, khả năng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cùng với các kênh bán lẻ trực tuyến đang phát triển, được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường chè của Ấn Độ tăng trưởng.
Là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới. Nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất khẩu.
Đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.
Hà Trần