Mặc dù tháng 8 chịu ảnh hưởng của mưa bão, cũng là tháng trùng với tháng 7 âm lịch khiến tâm lý người dân hạn chế mua sắm (nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước), nhưng mức tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước vẫn đạt mức cao 11,5% cho thấy sức cầu trong nước vẫn đang dồi dào và được củng cố. Đây đã và sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả nước những tháng cuối năm 2019.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trướcTổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.215,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của 8 tháng năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 8 tháng của các năm giai đoạn 2015-2017. (Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng các năm 2015-2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 10,9%; 9,9%; 10,4%; 12,1%; 11,5%).

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.444,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước tính đạt 285,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 355,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

Có thể nói, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 11,5-12%. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác điều hành giá mặt hàng xăng dầu để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung. Lạm phát trong 8 tháng đầu năm vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước, bình quân 8 tháng tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Một số giải pháp trong thời gian tới được đưa ra, lập trung thúc đẩy khu vực thị trường trong nước để khai thác lợi thế về cầu trong nước đang dồi dào, xu hướng sẽ tiếp tục tăng cao ở những tháng cuối năm. Trong đó, ngoài các chương trình kết nối cung cầu, tổ chức thị trường thì Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và mobile money nói riêng.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Minh Anh