Tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp, theo đó quốc gia Nam Á này ngày 18/5 ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 cao nhất trong một ngày sau khi phát hiện thêm 5.242 ca nhiễm trong 24 giờ qua.

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình nước này cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đến nay là  100.340 người (tăng 4.642 ca trong 24 giờ qua), số ca tử vong là 3.156 người (tăng 131 ca).

Ấn Độ bắt đầu áp dụng phong tỏa cả nước để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan từ ngày 25/3 vừa qua, sau đó gia hạn 3 lần, mới nhất là ngày 17/5 và có hiệu lực đến ngày 31/5, song nới lỏng nhiều hạn chế.

Chính phủ Indonesia ngày 18/5 cho biết đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỷ rupiah (43 tỷ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Với quy mô của gói kích thích trên, dự kiến, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên mức 6,27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 5,07% GDP.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 205 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại đây lên lần lượt là 12.718 và 831 ca.

Trong khi đó Bộ Y tế Singapore cho biết trong ngày 18/5 nước này ghi nhận 305 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 28.343. Con số ca bệnh mới thấp hơn trong ngày 18/5 một phần là do số lượng xét nghiệm được tiến hành ít hơn khi một phòng thí nghiệm tạm dừng hoạt động để xem xét lại quy trình sau sự cố hiệu chuẩn thiết bị trước đó. Phòng thí nghiệm này sẽ cần thời gian để tăng khả năng xét nghiệm.

Mỹ, Mỹ Latinh khá căng thẳng về dịch bệnhMỹ, Mỹ Latinh khá căng thẳng về dịch bệnh

Ngày 18/5, Thái Lan cùng ngày xác nhận 3 ca mắc COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này bước vào giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch này. Hiện tại Thái Lan có tổng cộng 3.031 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.857 bệnh nhân đã bình phục, 118 người đang được điều trị và 56 trường hợp tử vong.

Là một trong số ít những quốc gia trên thế giới tuyên bố đã kiểm soát được tình hình dịch trong nước, số người nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc (TQ) gần đây bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Tính đến tối 18-5 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm bảy bệnh nhân mới, nâng tổng số người bệnh ở đây lên 82.954. Phần lớn các ca mới đều là cư dân của TP Cát Lâm, nơi vừa bị ban lệnh phong tỏa một phần.

Trả lời phỏng vấn của đài CNN cùng ngày, cố vấn y tế hàng đầu của Bắc Kinh - TS Chung Nam Sơn đã lên tiếng cảnh báo TQ đang đứng trước một “thách thức rất lớn” từ nguy cơ đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại. 

Bộ Y tế Ai Cập ngày 18/5 thông báo đã phát hiện thêm 535 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 - mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 12.764 người.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Khaled Megahed, số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập hiện là 645 người, sau khi có thêm 15 ca tử vong trong ngày 18/5.

 Tại châu Mỹ Latinh, dịch bệnh lây lan nhanh chóng đã khiến chính phủ các nước đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng dịch. Honduras đã gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 1 tuần. Đây là lần thứ 8 Honduras gia hạn biện pháp này kể từ lần đầu triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm hồi giữa tháng Ba vừa qua. Bộ Nội vụ Ecuador thông báo mọi đối tượng nhập cảnh vào nước này phải xuất trình giấy xét nghiệm chứng minh âm tính được cấp trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và quy định có hiệu lực từ ngày 21/5. El Salvadore ban bố tình trạng khẩn cấp để mở rộng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo lệnh khẩn cấp có hiệu lực trong 1 tháng này, các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa, hoạt động đi lại của người dân phải hạn chế trong khi cơ quan chính phủ được phép tăng các nguồn ngân cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.

Brazil hiện là "điểm nóng" nhất tại Mỹ Latinh, với 13.130 ca mắc bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 254.220, vượt qua Italy và Anh trở thành quốc gia đứng số 4 thế giới về số ca COVID-19. Nước này cũng ghi nhận 16.792 ca tử vong, trong đó có 674 ca trong 24 giờ qua.

Tất cả các bang của Brazil đều đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 3, khi dịch bệnh ở nước này còn chưa bùng phát mạnh như ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế số ca mắc bệnh tăng chậm cùng với những phát ngôn “ác cảm” với các biện pháp giãn cách xã hội từ chính Tổng thống Jair Bolsonaro đã dẫn tới việc ngày càng ít người Brazil tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Tính đến giữa tháng 5/2020, chỉ có khoảng 40-55% người dân Brazil tuân thủ giãn cách xã hội và con số này cũng tùy từng bang cụ thể.

Sau Brazil, các nước Peru, Mexico, Chile đều chứng kiến số ca mắc bệnh trong ngày ở mức 4 con số, và hiện đã ghi nhận lần lượt 94.933, 49.219 và 46.059 ca COVID-19.

Thụy Điển không áp dụng các biện pháp phong toả chặt chẽ như các nước khác, và tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này cũng cao hơn so với các nước láng giềng vùng Scandinavian như Phần Lan, Na Uy hay Đan Mạch.

Đại dịch đã gây ra khoảng 3.700 ca tử vong kể từ khi trường hợp đầu tiên được báo cáo vào tháng 3, nhưng không gây tử vong nhiều như một số bệnh cúm theo mùa trong vòng 3 thập kỷ qua, khi số người chết vì cúm trong tháng 12/1993 và tháng 1/2000 cao hơn, theo văn phòng thống kê Thụy Điển.

Số người tử vong trong tháng 12/1993 là 11.057 trường hợp, trong khi số người chết trong tháng 4 năm nay là 10.458 trường hợp.

Đến 6 giờ sáng 19/5 (theo giờ VN), Mỹ ghi nhận 1.548.381 ca mắc COVID-19 (tăng 20.717 ca trong 24 giờ qua) và 91.857 ca tử vong (tăng 879 ca).

Nhà Trắng ngày 18/5 cho rằng Trung Quốc phải trả nhiều hơn 2 tỷ USD mà Bắc Kinh đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), đồng thời coi cam kết này là một biểu hiện nhằm đánh lạc hướng những cáo buộc của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc Bắc Kinh không cảnh báo một cách thích đáng cho thế giới về sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về virus SARS-CoV-2, khiến đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn thế giới.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga, 40,1% số ca nhiễm mới tại nước này không có biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, trong vòng 24 giờ qua có 2.722 người khỏi bệnh, đưa tổng số người bình phục được xuất viện lên 70.209; có thêm 91 ca tử vong, đưa tổng số tử vong lên 2.722 ca.

Sau hơn 2 tháng phong tỏa nghiêm ngặt, ngày 18/5, Italy bắt đầu cho phép mở cửa trở lại các cửa hàng, cửa hiệu, quán bar, nhà hàng và các hiệu cắt tóc, làm đẹp trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, người dân đã được phép đi lại tự do trong phạm vi từng vùng, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội như giữ khoảng cách ít nhất một mét và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chính phủ cũng khuyến cáo các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng trở lại nếu dịch COVID-19 không diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Đại dịch COVID-19 khiến Bỉ ghi nhận số người tử vong tháng 4 vừa qua cao nhất trong các tháng 4 kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây là kết quả nghiên cứu mới được Đại học VUB tại Brussels đưa ra trong bối cảnh Bỉ bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa.

Theo kết quả nghiên cứu trên, tổng cộng 14.790 người đã tử vong tại Bỉ trong tháng 4 vừa qua, cao hơn nhiều so với số tử vong thông thường dưới 9.000 người trong các tháng 4. Đại học VUB nhấn mạnh tỷ lệ tử vong tại Bỉ cao khác thường, lên mức chưa từng có, đặc biệt trong thời gian từ ngày 1-12/4. Bỉ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, là một trong những nước có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới. Số người mắc COVID-19 tại Bỉ đến 6 giờ sáng 19/5 (giờ VN) là 55.559, trong đó có 9.080 trường hợp tử vong.

 Trang Nguyễn