Tại Việt Nam, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 22/5: Đã 36 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến sáng nay cũng bước vào ngày thứ 4, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trở về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam vẫn là 324 ca.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.744.
Đến thời điểm này có 266 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta.
Trong báo cáo mới nhất, CDC Châu Phi - một cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh Châu Phi (AU), cho biết số trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 trên khắp lục địa trong 24 giờ qua tăng 3.603 ca nhiễm mới, từ 91.598 ca (hôm 20/5) lên 95.201 vào chiều 21/5. Ngoài ra, số người tử vong vì dịch bệnh này trên khắp châu Phi tăng 85 ca mới, nâng tổng số ca tử vong tại châu lục là 2.997 người. Và khoảng 38.075 người mắc COVID-19 đã được chữa khỏi.
Thế giới vẫn đang căng mình chồng mình
Theo CDC châu Phi, dịch COVID-19 đã lan rộng ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó Bắc Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhất của lục địa cả về số ca nhiễm và số người chết. Ai Cập và Algeria hiện là 2 quốc gia châu Phi có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu lục.
Top 10 quốc gia có số ca nhiễm virus corona chủng mới (Sars-CoV-2) tại châu Phi, đứng đầu là Nam Phi với 19.137 ca nhiễm và 369 ca tử vong, tiếp theo là Ai Cập với 15.003 ca nhiễm và 696 ca tử vong (đứng đầu châu lục với số ca tử vong), Algeria giữ vị trí thứ 3 với 7.728 ca nhiễm và 575 ca tử vong, Maroc với 7.211 ca nhiễm và 196 ca tử vong, và các quốc gia tiếp theo lần lượt là Nigeria, Ghana, Cameroon, Sudan, Guinea và Senegal.
Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, thế giới có 2 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 1.000 ca là Mỹ (1.284 ca) và Brazil (1.153 ca). Nước Anh chứng kiến số ca tử vong tăng cao trở lại với 338 trường hợp; trong khi ở Trung Mỹ, Mexico ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến trong ngày với 424 ca.
Mỹ vẫn là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 1.284 ca tử vong và 25.964 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng và nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 96.220 ca và 1.618.687 ca.
Tính đến nay, bang New York tiếp tục là tâm dịch tại Mỹ, khi bang này ghi nhận trên 28.540 ca tử vong vì COVID-19 và tổng số ca nhiễm bệnh trên 359.200 người. Thị trưởng Bill de Blasio ngày 21/5 tuyên bố sẽ cung cấp 1,5 triệu suất ăn miễn phí cho người dân mỗi ngày kể từ tuần tới, sau khi nhận được báo cáo hiện khoảng 2 triệu người dân tại thành phố New York không có đủ đồ ăn. Thành phố New York có khoảng 8 triệu dân và như vậy có nghĩa rằng cứ 4 người dân thì có 1 người thiếu lương thực.
Peru cũng có nguy cơ trở thành ổ dịch mới khi ghi nhận 124 ca tử vong trong vòng 1 ngày qua, nâng tổng số ca thiệt mạng tại quốc gia Nam Mỹ này lên 3.148 trên tổng số 108.769 ca mắc bệnh.
Mỹ, Nga và Brazil vẫn là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới tính theo ngày, trong đó "Xứ sở Samba" có nguy cơ trở thành tâm dịch mới khi dịch bệnh đang diễn biến xấu với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây. Brazil đã có tổng cộng 310.087 ca mắc COVID-19, trong khi nhà chức trách nước này vẫn chưa triển khai những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch của LB Nga cho biết, tính đến sáng 22/5 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm 8.849 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 84 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 317.554 người. Trong số các ca nhiễm mới, 42% trường hợp không có biểu hiện lâm sàng.
Ở Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 21/5 cho biết quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận thêm 642 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 228.006 người - nhiều thứ 6 thế giới sau Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Brazil.
Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy cùng ngày đã tăng thêm 156 trường hợp, lên 32.486 người - đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Anh.
Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Tính đến sáng 22/5, nước này đã ghi nhận 280.117 người nhiễm COVID-19 (tăng 593 ca so với ngày 21/5) và 27.940 người tử vong vì bệnh dịch này (tăng 52 ca so với một ngày trước).
Tại Pháp, dịch bệnh đang theo chiều hướng thuyên giảm. Cơ quan y tế nước này ngày 21/5 thông báo ghi nhận 251 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 83 ca tử vong. Tới nay, Pháp ghi nhận tổng cộng 181.826 ca mắc bệnh và 28.215 người tử vong vì đại dịch COVID-19.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai ở nước này hiện ở mức thấp, đồng thời cho biết chính quyền Ankara đang chuẩn bị mở dịch vụ du lịch y tế giống như nhiều nước khác trên thế giới. Bộ này cho rằng nếu người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang thì quốc gia này sẽ không bùng phát đợt dịch thứ hai.
Tại Trung Quốc, sau hơn 2 tháng hoãn do đại dịch COVID-19, chiều 21/5, Kỳ họp lần thứ 3, khóa XIII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chính Hiệp) đã khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Cùng ngày, Ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc, điểm khởi phát dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, cho biết không ghi nhận thêm ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 nào ở tỉnh này trong ngày 20/5. Điểm nóng dịch bệnh trong vài tuần trở lại đây tại Trung Quốc là tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga, trong ngày 20/5 cũng không ghi nhận ca nhiễm mới hay nhiễm mà không có triệu chứng nào.
Trang Nguyễn