Trong 24 giờ qua, đã có 120.221 người mắc COVID-19 và 4.030 người tử vong. Trong đó, nước có nhiều ca mắc nhất trong 24 giờ qua là Brazil với 30.102 ca, tiếp đó là Mỹ với 21.763 ca. Các nước ghi nhận nhiều ca mắc còn có Nga, Ấn Độ và Peru.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất vẫn là ở Mỹ với 989 ca, tiếp đó là Brazil (890 ca), Mexico (371 ca), Anh (215 ca) và Ấn Độ (205 ca).
Về tình hình phát triển vaccine phòng COVID-19, ngày 30/5, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Trung Quốc (SASAC) cho biết nhiều khả năng nước này sẽ có thể cung cấp ra thị trường một loại vaccine phòng COVID-19 ngay từ cuối năm nay.
Đại dịch COVID-19 đã khiến thành phố New York (Mỹ) rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ khiến giới chức địa phương phải tính tới việc vay hàng tỷ USD để đảm bảo chi phí hoạt động cơ bản. Nhiều chuyên gia kinh tế và kể cả Thống đốc Cuomo tỏ ra khá lưỡng lự về việc cho phép thành phố vay nợ nhiều đến thế bởi lo ngại thành phố có thể rơi vào cảnh gần phá sản như hồi năm 1975. Thị trưởng de Blasio đang đề xuất để thành phố được phát hành trái phiếu nhằm có nguồn tiền đảm bảo hoạt động. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thành phố New York vay 7 tỷ USD để trang trải các khoản phải chi, thành phố này sẽ phải trả mỗi năm 500 triệu USD trong vòng 20 năm.
Đại dịch COVID-19 đang khiến kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng
Trong khi đó, 5 khu vực nông thôn phía Bắc của bang New York đã được phép mở lại giai đoạn 2, tức là các văn phòng, các dịch vụ cá nhân và cửa hàng mua sắm được phép hoạt động dù vẫn phải tuân thủ một số hạn chế. Bang New York ghi nhận 67 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 29/5, con số thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.
Đại dịch COVID-19 đang khiến kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng do sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, trong đó Australia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn.
Các hoạt động thương mại quốc tế của quốc gia này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với 1/3 lượng hàng xuất khẩu có chung điểm đến là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các biện pháp cải thiện hậu đại dịch đều đang được Canberra tính toán và Ấn Độ có thể trở thành một trong các giải pháp hiệu quả.
Đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), trong đó xem xét khả năng Ấn Độ trở thành quốc gia thay thế Trung Quốc trong quá trình “thoát Trung” của Canberra thời điểm hậu COVID-19.
Ấn Độ ghi nhận 8.336 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày 30/5, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 181.827 người, trong đó số ca tử vong lên tới 5.185 sau khi ghi nhận thêm 205 ca.
Dự kiến, lệnh phong tỏa toàn quốc giai đoạn 4 của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31/5, và Bộ An ninh Nội địa Ấn Độ sẽ sớm công bố những hướng dẫn sửa đổi về việc tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa giai đoạn 5 trong 2 tuần tiếp theo. Trong giai đoạn này, nhà chức trách Ấn Độ sẽ tập trung công tác phòng chống dịch tại 13 thành phố lớn chiếm 70% tổng số ca nhiễm cả nước. Trong khi đó, một số bang, kể cả thủ đô Delhi, đã được phép nối lại hoạt động đi lại cá nhân, giao thông công cộng hạn chế, mở lại các cửa hàng (trừ trong trung tâm thương mại và khu phức hợp mua sắm) và các khu công nghiệp. Trong thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ cũng đã nối lại các chuyến bay nội địa và vận hành hàng nghìn chuyến tàu hỏa đặc biệt để chở người lao động di cư trở về quê nhà.
Trong khi đó, Bangladesh cũng xác nhận 1.764 ca nhiễm trong ngày 30/5. Hiện tổng số ca nhiễm ở Bangladesh là 44.608.
Cùng ngày, Bộ Y tế Công cộng Afghanistan ghi nhận 866 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.525 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tại Pakistan đã lên tới 66.457 ca sau khi ghi nhận 2.429 ca trong ngày 30/5. Số ca tử vong ở nước này hiện là 1.395 ca.
Tính đến 6 giờ sáng 31/5 (giờ Việt Nam), Nga ghi nhận 8.952 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh lên 396.575 người, trong đó 41,9% số ca không có biểu hiện lâm sàng.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga có 8.212 người hồi phục được xuất viện, nâng tổng số ngưởi khỏi bệnh lên 167.469 người, và có 181 người tử vong , nâng tổng số người tử vong lên con số 4.555 trường hợp.
Theo cập nhật của Bộ Y tế Ukraine, Ukraine ghi nhận 393 trường hợp dương tính với COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 23.204 người. Trong 24 giờ qua, nước này có 17 trường hợp tử vong, nâng số người tử vong lên 696 người và tổng số bệnh nhân bình phục được xuất viện là 9.311 người.
Hiện 16.032 bệnh nhân tại Ukraine được điều trị tại nhà theo chế độ tự cách ly, 7.172 người được chữa trị tại bệnh viện. Số bệnh nhân nặng phải sử dụng máy trợ thở là 273 người.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30/5 công bố nước này ghi nhận thêm 416 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 232.664 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 33.340 trường hợp (tăng 111 ca).
Bộ Y tế Nam Phi ngày 30/5 thông báo nước này đã ghi nhận 1.727 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 30.967 người, trong đó có 643 ca tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, cũng trong 24 giờ qua, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 21.708 người, nâng tổng số người được xét nghiệm tại nước này lên 701.883 trường hợp. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện, Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 15.093 ca mắc COVID-19 khỏi bệnh.
Nam Phi đã bước sang ngày thứ 64 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch, bắt đầu từ 1/6, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm từng bước khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt.
Đến cuối tháng 5, tình hình dịch COVID-19 tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có khác biệt khi nhiều nước bước vào nới lỏng phong tỏa trong khi một số nơi ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt.
Ngày 29/5, Đan Mạch và Na Uy thống nhất tạo điều kiện về du lịch giữa hai quốc gia. Áo không còn yêu cầu khách hàng mua sắm phải đeo khẩu trang. Nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa vì COVID-19.
Trong khi đó, ông John Edmunds – giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London – đồng thời là cố vấn chính phủ Anh cảnh báo rằng việc nới lỏng phong tỏa theo kế hoạch vào tháng 6 tại nước này là quá sớm. Theo ông John Edmunds, số ca nhiễm mới tại Anh vẫn khá cao.
Brazil ngày 29/5 ghi nhận 27.878 trường hợp tử vong vì COVID-19, vượt qua Tây Ban Nha. Như vậy, Brazil đã trở thành quốc gia có số trường hợp tử vong vì COVID-19 cao thứ 5 thế giới sau Mỹ, Anh, Italy và Pháp.
Trang Nguyễn