Đến 6h00 ngày 9/4, số trường hợp mắc COVID 19 ở Việt Nam là 251, trông đó đã có 126 trường hợp bình phục, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ là 23.349; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 2.537.
Tính tới chiều 8/4, số người chết ở Mỹ đã lên tới gần 14.500 trong khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã ở mức hơn 423.000. Số người chết do Covid-19 ở Mỹ tới nay đã vượt quá con số tử vong do đại dịch H1N1 tại đây năm 2009 mặc dù số ca nhiễm H1N1 tại thời điểm đó là hơn 60 triệu người.
Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho biết ông tin rằng số người chết vì Covid-19 có thể ít hơn so với dự đoán từ 100.000-240.000 trước đó. Trường đại học Washington đã hạ dự báo số ca tử vong từ 80.000 xuống 60.000 vào đầu tháng 8. Đây là một trong những mô hình dự báo mà nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng đang sử dụng.Tính tới hết ngày 8/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 15.478 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.019 ca tử vong.
Vào đầu tuần sau, nước Pháp sẽ kết thúc 1 tháng phong tỏa toàn quốc nhằm đấu tranh với dịch Covid-19. Tuy nhiên, các biện pháp cách ly đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả cụ thể. Ngày 8/4, Phủ Tổng thống nước này thông báo sẽ tiếp tục gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc thêm một lần nữa.
Trong ngày 8/4, nước Pháp tiếp tục ghi nhận thêm 541 ca tử vong tại bệnh viện liên quan dịch Covid-19 trong vòng 24 giờ. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 kể từ đầu mùa dịch đã là ít nhất 10.869 ca, chưa tính số ca tử vong hiện đang tiếp tục được thống kê trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và các trung tâm y tế xã hội.
Theo lời của Tổng thống Nga Putin, 2-3 tuần tới sẽ là khoảng thời gian quyết định đối với nước này trong việc chống dịch Covid-19, cả nước cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đối với các vùng, các tỉnh, chính quyền cần hành động linh hoạt, sao cho phù hợp với hoàn cảnh và tình hình ở địa phương mình.
Người đứng đầu nước Nga khẳng định, nhiệm vụ cấp bách chung là sự sẵn sàng cao của các cơ sở y tế. Hơn 33 tỷ RUB đã được phân bổ cho việc triển khai thêm các giường chuyên dụng, được trang bị đầy đủ tại các bệnh viện và các cơ sở về nhiễm trùng. 13 tỷ RUB khác đã được phân bổ cho việc mua thiết bị y tế, bao gồm các máy thở, cũng như xe tải và xe cứu thương, sẽ bắt đầu đến các khu vực trong tháng Tư.
Theo báo The Washington Post, tình hình ở châu Âu vẫn rất phức tạp. Bên cạnh các điểm nóng gần đây như Pháp, Ý, Tây Ban Nha…, theo nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại TP Seattle - Mỹ, Anh sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại lục địa già. IHME ước tính đến thời điểm ngày 8/4, tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh sẽ tăng lên hơn 66.314 người. Cũng theo IHME, Covid-19 sẽ đạt đỉnh tại Anh vào ngày 17/4, với 2.932 ca tử vong.
Italy vẫn đứng đầu danh sách với 17.669 ca tử vong, xếp sau lần lượt là Tây Ban Nha, Mỹ (mỗi nước hơn hơn 14.000 ca) và Pháp (10.800 trường hợp).
Anh cũng ghi nhận con số kỷ lục 938 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này lên gần 7.000 trường hợp. Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đang phải nằm trong phòng điều trị tích cực sau khi bệnh tình trở nặng vì nhiễm virus.
Thụy Sĩ ngày 8/4 đã quyết định kéo dài các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 thêm một tuần nữa, tức đến ngày 26/4. Sau đó các biện pháp này sẽ được nới lỏng dần. Theo Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga và Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset, các biện pháp được đưa ra để chống COVID-19 đang được công chúng thực hiện tốt và hiện có hiệu quả như mong muốn. Dịch COVID-19 đã lan rộng ở Thụy Sĩ nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại trong những ngày gần đây.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/4 thông báo quốc gia này đã ghi nhận thêm 4.117 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 87 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh và thiệt mạng do chủng virus nguy hiểm này lên tương ứng 38.226 và 812. Trong vòng 24 giờ qua, đã có 24.900 trường hợp được xét nghiệm để sàng lọc các nguy cơ mắc COVID-19.
Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo có thêm 300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 2.659. Hiện các ca nhiễm bệnh mới đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Tại Ấn Độ, nhiều bang đã đưa ra quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trong công bố ngày 8/4, chính quyền Delhi yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng khi ra ngoài, kể cả lúc ngồi trên xe ô tô, ở nơi làm việc hoặc văn phòng. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị trừng phạt. Cùng ngày, bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh và các thành phố Mumbai, Thane và Pune của bang Maharashtra cũng đưa ra quy định tương tự.
Theo số liệu trên chuyên trang thống kê worldometers.info, đến 6h sáng 9/4, Ấn Độ đã ghi nhận 5.916 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, làm 178 người tử vong.
Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, chính quyền Thái Lan thông báo Pattaya - thành phố du lịch ven biển miền Đông nước này - sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tạm thời, qua đó đóng cửa đối với toàn bộ du khách trong và ngoài nước. Tỉnh trưởng tỉnh Chonburi, Phakharathorn Thianchai đã xác nhận việc cấm toàn bộ du khách vào Pattaya theo lệnh phong tỏa, có hiệu lực từ ngày 9/4 đến hết tháng này, cùng với lệnh giới nghiêm vừa có hiệu lực trên toàn Thái Lan từ 22h tối đến 4h sáng các ngày
Ngày 8/4, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, mức tăng hàng ngày lớn nhất, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch lên 1.623 ca.
Bộ Y tế Nam Phi ngày 8/4 thông báo nước này ghi nhận thêm 96 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 1.845 trường hợp. Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất trong ngày kể từ Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 27/3.
Trang Nguyễn