Reuters hôm 25/5 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố với truyền thông rằng, ông tôn trọng hiến pháp quốc gia do vậy đến năm 2024 sẽ không tái tranh cử.
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở St Petersburg, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Theo hiến pháp, không cá nhân nào có thể giữ vị trí Tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp… Tôi tuân thủ theo quy định này”.
Tổng thống Putin khẳng định sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ 2024.
Tổng thống Putin từng phục vụ 2 nhiệm kỳ Tổng thống từ năm 2000-2008. Trong khoảng thời gian từ 2008-2012, ông Putin giữ vai trò Thủ tướng Nga. Sau đó, ông thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 trong năm 2012.
Tháng 3/2018 vừa qua, với tư cách một ứng cử viên tự do, ông Putin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống với số phiếu ủng hộ ấn tượng là hơn 75%. Nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc vào năm 2024.
Với tuyên bố trên, Tổng thống Nga khẳng định không tái tranh cử vào năm 2024, bất chấp việc chính trường Nga đang có ý tưởng sửa đổi Hiến pháp để ông tiếp tục giữ nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.
Newsweek ngày 18/5 đưa tin, nhóm nghị sĩ khu vực Chechnya đã chính thức yêu cầu Quốc hội Nga đưa ra những thay đổi cần thiết về kéo dài giới hạn nhiệm kỳ lãnh đạo, để Tổng thống Putin có thể tiếp tục nắm quyền sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, cũng là nhiệm kỳ thứ 4 của ông.
Hiến pháp Nga hiện quy định Tổng thống không thể tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp và dù muốn hay không, ông Putin cũng không thể tranh cử nhiệm kỳ 2024-2030.
Tổng thống Putin có thể tranh cử nhiệm kỳ 2030- 2036 bởi Hiến pháp Nga không giới hạn số lần một cá nhân ra tranh cử Tổng thống. Tuy nhiên, khi đó ông đã 78 tuổi, vì vậy các nghị sĩ mong muốn ông sẽ tranh cử ngay năm 2024, khi kết thúc nhiệm kỳ 4.
Ngoài vấn đề tuổi tác, các nghị sĩ Nga cho rằng, nước Nga đang trong thời cấm vận, sự ổn định là cực kỳ quan trọng. Do đó, Tổng thống Putin tiếp tục công việc của mình trong thời kỳ ổn định sẽ là điều cần thiết. Điều này là tốt cho nước Nga.
Nội dung bản đề nghị của nhóm các nghị sĩ các nghị sĩ khu vực Chechnya gửi Chủ tịch Hạ viện Nga đã nêu rõ lý do đề xuất: “Trong bối cảnh môi trường chính sách đối ngoại diễn biến phức tạp, điều quan trọng là cần duy trì sự tiếp nối của chính phủ. Việc ông Putin tiếp tục nắm quyền sẽ không làm suy giảm nền tảng dân chủ của nước Nga”.
Đầu tháng 5 này, khi các quan chức Chechnya lần đầu đề cập tới việc họ đang chuẩn bị các hoạt động nhằm kêu gọi kéo dài giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống Nga, Điện Kremlin đã từ chối bình luận về khả năng này.
“Đây là vấn đề liên quan tới Hiến pháp, không nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống. Bản thân Tổng thống cũng nhiều lần bày tỏ lập trường liên quan tới việc điều chỉnh luật cơ bản”, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết.
Chính Tổng thống Putin cũng từng tuyên bố rằng ông không muốn và cũng không có ý định sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Ông sẽ tuân thủ quy định của Hiến pháp hiện hành.
"Tôi không bao giờ tìm cách thay đổi Hiến pháp hoặc điều chỉnh theo nhu cầu của tôi, và tôi không có bất kỳ kế hoạch như vậy" - ông Putin trả NBC khi được hỏi về loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ như hiện nay.
Hôm 18/3, phát biểu trên một sân khấu ngay tại Quảng trường Đỏ trong lúc chiến thắng cuộc tranh cử Tổng thống Nga đang đến rất gần, ông Putin đã trả lời một câu hỏi của phóng viên rằng liệu có tranh cử sau năm 2024 hay không.
Ông Putin khi đó đã trả lời một cách hài hước, đáp lại câu hỏi mà ông cũng cho là hài hước trên: "Hãy đếm xem, bạn có nghĩ là tôi sẽ nắm quyền đến 100 tuổi không".
Tuy nhiên, một khả năng có thể xảy ra là đề xuất sửa đổi Hiến pháp của các nghị sĩ Chechnya có thể được thông qua sau khi thực hiện trưng cầu dân ý. Với sự ủng hộ 76% trong cuộc bỏ phiếu bầ cử Tổng thống Nga vừa qua, Tổng thống Putin có khả năng cao sẽ nhận được sự đồng thuận từ phía người dân để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo nước Nga.
Theo Huy Vũ (Đất Việt)