Thông tin tại Diễn đàn thương mại Việt Nam-EU, diễn ra chiều ngày 29/09: Tám tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Hơn 02 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, có thể thấy quan hệ kinh tế-thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam-EU với những kết quả đáng ghi nhận.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 08/2021 đến tháng 07/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 08 tháng qua sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như: Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa, khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng, như máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%)... mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (tăng gần 42%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như dược phẩm (tăng 7,6%), hóa chất (tăng 102%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa và sản phẩm sữa (tăng 29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (45,3%), cùng các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Về đầu tư, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 08/2022. Tính riêng 08 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
"Đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-EU trong thời gian tới với đòn bẩy từ EVFTA và tới đây là EVIPA", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)