Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 03 tháng đầu năm ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 05 năm qua.

Vốn FDI thực hiện quý I các năm 2018-2022. Nguồn GSO
Vốn FDI thực hiện quý I các năm 2018-2022. Nguồn GSO.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn FDI thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2022 ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2021 bằng 13,7% và tăng 14,5%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/03/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm, bà Phí Thị Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, nếu phân tích chi tiết thì mức giảm trên vẫn thể hiện được yếu tố tích cực trong xu hướng thu hút đầu tư.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 các năm 2018 - 2022. Nguồn GSO
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 các năm 2018 - 2022. Nguồn GSO.

Thứ nhất, trong quý I/2022, số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Thứ hai, về số vốn đăng ký trong quý I/2022, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% so cùng kỳ, bao gồm: (1) Đăng ký cấp mới giảm 54,5%; (2) Vốn đăng ký tăng thêm tăng 93,3% (đây chính là phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam); (3) số vốn góp, mua cổ phần tăng 102,6% (con số này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam tăng lên). Như vậy, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% là do vốn đăng ký cấp mới giảm sâu 54,5%. Việc giảm 54,5% này được so sánh trên nền tăng cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4,41 tỷ USD. 

"Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 thì vốn đăng ký cấp mới quý I/2022 vẫn tăng 14,2% so cùng kỳ, và tính chung vốn đăng ký FDI quý I/2022 tăng 55,7% so cùng kỳ", bà Phương Nga cho hay.

Nguồn Tổng cục Thống kê/Chinhphu.vn