Tại buổi Tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch thành phố” - do Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch TP. HCM tổ chức ngày 28/11, ông An Sơn Lâm, Chủ đội thuyền buồm Đông Dương, hoạt động trên sông Sài Gòn chia sẻ những khó khăn khi thành phố dẹp bến Bạch Đằng, đã gián tiếp đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải bán phương tiện.

 TP. HCM: Dẹp bến Bạch Đằng – đẩy doanh nghiệp vào thế phải bán phương tiện - Hình 1

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương

Theo ông An Sơn Lâm, lâu nay việc cảnh báo thời tiết chưa hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, một cơn bão đi qua địa phận đất nước, vào tận Campuchia và chuyển thành áp thấp, nhưng cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên lệnh cấm tàu bè xuất bến ngay tại sông Sài Gòn, vừa gây thiệt thòi cho khách du lịch nước ngoài, vừa ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp. Vì thế, thành phố cần giữ lại bến Bạch Đằng, giữ lại cảng Sài Gòn nhằm giữ lại nét đặc trưng “trên bến dưới thuyền” một thời của thành phố.

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Triều cho biết, công ty có 15 cano cao tốc phục vụ du lịch đường thủy. Nhưng hoạt động của các cano này gặp nhiều khó khăn do hạ tầng yếu kém.

Bà dẫn chứng các bến bãi ở khu vực trung tâm rất thiếu khi doanh nghiệp của bà chỉ có 3 bến đón khách là Tân Cảng, Cầu Mống, Vườn Kiểng. Bà Hạnh cho rằng, nếu thành phố đang khuyến khích phát triển du lịch đường thủy thì cần giải quyết vấn đề về hạ tầng để loại hình du lịch này phát triển.

 TP. HCM: Dẹp bến Bạch Đằng – đẩy doanh nghiệp vào thế phải bán phương tiện - Hình 2

Chủ tàu cho rằng nếu có thanh lý thì cũng chỉ với giá "sắt vụn"

Ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa cho rằng, doanh nghiệp làm du lịch đường sông không có ai bảo vệ, nhiều lúc chỉ hô hào, chứ công tác định hướng không có. “Tôi nghĩ rằng, thành phố cần có những việc hỗ trợ cụ thể, còn doanh nghiệp cũng cần tự chủ động để có hướng đi phù hợp” -  ông Linh nêu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thành phố đang phát triển và có thay đổi một số không gian nên trước mắt có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường thủy, nhưng về tổng thể không có mâu thuẫn. Đại diện Sở Du lịch sẽ tham mưu thành phố xác định các địa điểm đầu tư mới hoặc điều chỉnh vị trí các cầu tàu, bến bãi để các doanh nghiệp thuận lợi trong khai thác; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng về hạ tầng, bến bãi.

 TP. HCM: Dẹp bến Bạch Đằng – đẩy doanh nghiệp vào thế phải bán phương tiện - Hình 3

Nhiều doanh nghiệp, khốn đốn vì bến Bạch Đằng bị ngưng hoạt động

Dưới góc độ đơn vị lữ hành, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch đường thủy, thành phố cần thay đổi quan điểm cấp phép, đầu tư xây dựng bến, cũng như tư duy làm du lịch đường sông như hiện nay.

“Thay vì tốn kém để trang trí đường phố vào các dịp lễ, Tết, thành phố có thể trang trí, làm đẹp các nhà ven sông để thu hút tầm nhìn của du khách; đồng thời, quảng bá văn hóa địa phương. Thậm chí, thay vì làm đường hoa Nguyễn Huệ thì có thể làm đường hoa dọc sông, làm chợ nổi bán hoa, đồ ăn, lưu niệm”, ông Mỹ đề xuất…

 TP. HCM: Dẹp bến Bạch Đằng – đẩy doanh nghiệp vào thế phải bán phương tiện - Hình 4

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM

Sở Giao thông Vận tải cho biết, bến Bạch Đằng sẽ sớm được sắp xếp và đưa vào sử dụng lại. Theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố, giai đoạn 2017-2020, thành phố sẽ tập trung đầu tư một số tuyến đường thủy với điểm xuất phát là bến Bạch Đằng, bến Cầu Móng và bến cảng Sài Gòn - Khánh Hội đi các khu vực Q.5, 6, 7, 8, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Dương, Vũng Tàu. 

Bến Bạch đằng là địa điểm du lịch nổi tiếng của TP. HCM. Bến có gần 60 phương tiện hoạt động, gồm các loại tàu cánh ngầm, tàu chở khách du lịch và tàu nhà hàng. Cuối tháng 12/2014, Sở Giao thông Vận tải thông báo cho những công ty kinh doanh tại đây biết chủ trương của thành phố là sẽ không tiếp tục cấp phép hoạt động cho bến Bạch Đằng, kể từ ngày 1/1/2015, sau khi giấy phép cũ hết hạn trước đó 1 ngày. Bến không được phép hoạt động thì cảng vụ sẽ không thể cấp phép cho tàu, thuyền xuất bến (sau đó, thành phố cho gia hạn đến ngày 15/1/2015). Việc ngưng không cho các loại tàu du lịch, nhà hàng hoạt động ở khu vực này là để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang lại theo quy hoạch.

Cao Diên – Hải Dương