Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, dài 256 km, chảy dọc trên địa phận Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km, có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 m³/s, bề rộng tại Thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu có chỗ tới 20 m, diện tích lưu vực trên 5.000 km².

Những năm qua sông Sài Gòn đã trở thành điểm đến của nhiều người dân khắp nơi và việc cơi nới, lấn dần ra sông cứ diễn ra từng ngày. Để bảo vệ con sông gắn liền với sự phát triển của TP HCM thì các cấp chính quyền và ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc.

TP. HCM: Đẩy lùi “cát tặc”, quản lý chặt chẽ bờ sông Sài Gòn - Hình 1

Một góc sông Sài Gòn

Quản lý chặt chẽ bờ sông Sài Gòn

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM khẳng định: Nhận thức được vai trò đặc biệt của dòng sông Sài Gòn đối với sự hình thành và phát triển của thành phố trên tất cả phương diện, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định để bảo vệ hành lang sông, kênh rạch, mương trên địa bàn; trong đó, đặc biệt là sông Sài Gòn, tuyệt đối không cho bất cứ ai chiếm dụng hành lang bảo vệ sông.

Hiện nay, thành phố cũng đang khẩn trương thực hiện quy hoạch ngành để phát triển hạ tầng ven sông, vừa phát triển giao thông đường thủy, kinh tế cảng biển cũng như gìn giữ đặc trưng văn hóa, du lịch của thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho hay, lãnh đạo thành phố luôn quán triệt việc bảo vệ, quản lý chặt chẽ các bờ sông lớn, trong đó có bờ sông Sài Gòn. Các bờ sông có cảnh đẹp sẽ được lưu ý để tổ chức lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, đảm bảo cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, tránh tình trạng lấn chiếm.

TP. HCM: Đẩy lùi “cát tặc”, quản lý chặt chẽ bờ sông Sài Gòn - Hình 2

Sông Sài Gòn bị lấn chiếm, cơi nới

Trước đó, TP. HCM đã ra Quyết định 22/2017/QĐ-UB về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ ven sông suối, kênh, rạch, mương và hồ trên địa bàn TP. HCM.

Theo đó, trên phạm vi hành lang bảo vệ sông rạch sẽ được phép xây dựng các công trình công cộng (như cảng thủy nội địa, nhà vệ sinh, khu vui chơi - thể thao, nhà giữ xe…) và các cơ sở dịch vụ có thời hạn. Tùy theo quy hoạch từng khu vực, cơ quan Nhà nước sẽ xem xét cho các cá nhân, đơn vị thuê đất có thời hạn để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công cộng. 

Một điểm mới trong quyết định này là quy định chi tiết phạm vi bảo vệ đối với các kênh mương thoát nước tùy theo chiều rộng kênh mương, thay vì quy định chung là 10 mét như quyết định trước đây.

Cụ thể, kênh mương thoát nước chiều rộng lớn hơn 15 mét có hành lang bảo vệ mỗi bên là 10 mét, chiều rộng từ 5-15 mét có hành lang là 7 mét, rộng dưới 5 mét có hành lang là 5 mét. Riêng kênh mương thoát nước có xây kè bảo vệ thì hành lang quy định là 3 mét.

Đẩy lùi “cát tặc” ra khỏi sông Sài Gòn

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về vấn đề khai thác cát trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, việc quản lý tài nguyên vốn không có biên giới, tất cả các tỉnh thành đều có thể dùng tài nguyên, trong đó có tài nguyên cát để phục vụ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

TP. HCM: Đẩy lùi “cát tặc”, quản lý chặt chẽ bờ sông Sài Gòn - Hình 3

Sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng

Đối với tình trạng khai thác cát xảy ra trên địa bàn huyện Cần Giờ vừa qua, TP. HCM và các tỉnh lân cận phối hợp chặt chẽ và đấu tranh xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại huyện Cần Giờ, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý 32 vụ khai thác cát trái phép.

Về việc dư luận băn khoăn có hay không sự bảo kê của lực lượng chức năng đối với nạn “cát tặc” đang hoành hành, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, hiện nay lực lượng chức năng của thành phố chưa phát hiện, nếu có thì sẽ kiên quyết xử lý, không những bảo vệ tài nguyên cho thành phố mà còn cho cả thế hệ tương lai về sau.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM, nếu khai thác cát không có kế hoạch, không đúng với quy hoạch thì dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố, nhất là trong bối cảnh mỗi năm thành phố bị lún và xảy ra nhiều vụ sạt lún bờ sông, kênh rạch.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tài nguyên cát, từ năm 2010, UBND TP. HCM có chủ trương hạn chế tiến tới chấm dứt khai thác cát không theo kế hoạch, quy hoạch. Tuy nhiên đối với các dự án trọng điểm vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung thì thành phố chủ trương cho phép khai thác nhưng vẫn phải nằm trong kế hoạch và theo chương trình cụ thể.

“Hiện nay nguồn cát đang rất khan hiếm, thị trường cát có nhiều biến động nên một số cá nhân, tổ chức đã tận dụng các vị trí giáp ranh địa bàn để khai thác cát trái phép với thái độ ngang nhiên, bất chấp. Vì thế lãnh đạo UBND thành phố đề nghị các lực lượng chức năng trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng thành phố quyết liệt vào cuộc; khẩn trương ra quân, tăng cường kiểm tra, lập chốt kiểm tra 24/24 giờ, đồng thời phối hợp với các địa bàn lân cận để xử lý”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Đề cập đến tình trạng lãng phí đất công, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, TP. HCM đã có nghị quyết về việc rà soát tổng thể, kể cả đất được giao cho các đơn vị đang sử dụng hoặc đất giao cho dự án nhưng chậm triển khai. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, TP. HCM thu hồi 576 dự án được chấp thuận chủ trường đầu tư nhưng không triển khai gây ra lãng phí. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục rà soát ở giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.283 dự án; trong đó có trên 280 dự án hiện nay dấu hiệu chậm tiến độ nên đang tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý vấn đề này.

Cao Diên – Hải Dương