Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Đội vốn 30.000 tỷ đồng

Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được phê duyệt với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỷ đồng; nhưng sau đó TP. HCM đề nghị tăng thêm 30.000 tỷ đồng và hiện nay đang bị ách tắc. Vì sao dự án lại tăng thêm 30.000 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu và TP. HCM có thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục?

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Đội vốn 30.000 tỷ đồng - Hình 1

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong tình trạng "đói" vốn trầm trọng

Thiếu kinh nghiệm thực tiễn

Giải thích về vấn đề này, tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm (17/10), Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, năm 2006, Thủ tướng đã thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án, do Cục Đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

"Thời điểm này, Việt Nam chưa làm tuyến metro nào, đơn vị tư vấn lập dự án cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỷ đồng. Sau khi tổng mức đầu tư được duyệt, chúng ta đã ký Hiệp định vay số 1 với phía Nhật Bản vào năm 2007 với số tiền  4.000 tỷ đồng", ông Quang thông tin. 

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Đội vốn 30.000 tỷ đồng - Hình 2

Một đoạn đường hầm trong Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Từ tháng 1/2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là Liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỷ đồng.

TP. HCM đã mời Công ty Singapore Mass Rapid Transit và Công ty CPG (Singapore) thẩm tra độc lập và kết luận tổng mức đầu tư là phù hợp. Sau đó, Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ xem xét việc tăng vốn ODA cho dự án.

Năm 2010, TP. HCM đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã cho lấy ý kiến các bộ GTVT, Tài chính, KH&ĐT. Bộ KH&ĐT cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và các bộ khác cũng đồng thuận vấn đề này.

Trên cơ sở đó, tháng 7/2010, UBND TP. HCM trình Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 47.000 tỷ đồng.

“Thực tế, tháng 5/2011, khi dự án chưa phê duyệt thì UBND TP đã kiến nghị với Bộ KH&ĐT giao UBND TP tạm thời phê duyệt tổng mức đầu tư và báo cáo kiến nghị Quốc hội về công tác điều chỉnh đối với dự án. Ngoài ra, hàng năm, TP. HCM đều báo cáo đầy đủ cho Bộ GTVT và thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ GTVT đều có báo cáo với Quốc hội”, ông Quang cho biết.

Đến tháng 9/2011, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 47.000 tỷ đồng. "Khi được duyệt, chúng ta đi vay tiếp bằng 2 hiệp định vay. Tổng vay đến giờ đã là 31.000 tỷ đồng. Chúng ta được duyệt mới đi vay. Nếu nói dự án vốn lớn, chưa được duyệt là không chính xác", ông Quang khẳng định.

Dự án bị ách tắc

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM khẳng định dự án thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, dự án hiện nay bị ách tắc vì Bộ KH&ĐT cho rằng, dự án được điều chỉnh có tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng TP. HCM chưa thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục.

Cụ thể, theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, những dự án có tổng mức đầu tư trên 35.000 tỷ đồng thì phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong khi dự án Metro số 1 có tổng mức đầu tư đến 47.000 tỷ đồng, nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa thông qua chủ trương.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Đội vốn 30.000 tỷ đồng - Hình 3

Đến nay tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 70% khối lượng

Nhiều câu hỏi được ĐBQH TP. HCM đặt ra. ĐB Trần Hoàng Ngân tính toán, vốn ODA cho dự án tuyến Metro số 1 chiếm 88% (41.833 tỷ đồng). Trong các năm 2011 và 2012, Chính phủ đã có 2 báo cáo gửi Quốc hội rồi, nhưng Quốc hội đã xem xét, phê duyệt hay chưa? Vì vậy, Đoàn ĐBQH cần có báo cáo về nội dung này.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề, Quốc hội chưa phê duyệt là do Thủ tướng chưa trình Quốc hội hay đã trình mà Quốc hội chưa thông qua? “Điều này sẽ được làm rõ. Nhưng tôi cho rằng, nếu sự điều chỉnh là khách quan, cần thiết và hợp lý và vì lợi ích của TP. HCM, của cả nước thì kiến nghị đưa ra Quốc hội xem xét thông qua nhằm giải quyết dứt điểm ách tắc cho dự án”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

ĐB Phạm Phú Quốc cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án, ông đã có văn bản đề xuất Tổng Thư ký Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung. “Nếu chúng ta muốn Quốc hội có nghị quyết riêng phân bổ nguồn vốn trung hạn cho dự án Metro số 1 thì Đoàn ĐBQH cần có kiến nghị tập thể bằng văn bản”, ĐB Nguyễn Phước Lộc bổ sung.

Bàn về vấn đề này, ThS. Nguyễn Văn Năng, giảng viên một trường công nghệ - kỹ thuật tại TP. HCM cũng cho rằng, mức tăng vốn của dự án tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên quá cao và cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.

“Việc tuyến Metro số 1 tăng thêm gần 1,4 tỷ USD so với ban đầu là quá lớn. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu do dự toán ban đầu chưa tốt. Chúng ta chỉ tính toán những phần lớn mà bỏ qua các chi tiết nhỏ. Cho nên, trong quá trình thi công phát sinh bất cứ vấn đề gì thì sẽ dẫn tới tăng vốn, đội giá.

Ngoài ra, do metro là một phương tiện mới mẻ nên năng lực của chúng ta còn hạn chế. Cùng với đó, việc giám sát, kiểm tra chưa được thực hiện một cách nghiêm túc dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao”, ông Năng thẳng thắn.

Tìm cách “cứu” dự án

TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn KH&CN và quản lý TP. HCM HASCON bày tỏ nhiều băn khoăn. Việc phê duyệt dự án tăng vốn metro nói trên, đã vi phạm Nghị quyết của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

TS. Nguyễn Bách Phúc chỉ ra, TP. HCM đã khởi công dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên vào tháng 8/2012, khi Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư. Theo ông Phúc, công trình này đã thi công được gần 5 năm, nhưng đang rơi vào tình cảnh nguy ngập: Không có tiền đầu tư, không có tiền trả nợ dẫn đến nguy cơ bỏ dở công trình. Đây là hệ lụy về những thiếu sót trong phê duyệt dự án.

Đối chiếu với các luật của Việt Nam, vị chuyên gia chỉ rõ, dự án muốn thực hiện cần phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tiếp theo là báo cáo nghiên cứu khả thi. 

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Đội vốn 30.000 tỷ đồng - Hình 4

Metro số 1 tăng thêm gần 1,4 tỷ USD so với ban đầu là quá lớn

“Phải chứng minh được, không những hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, mà còn phải chứng minh được khả năng sắp xếp và huy động vốn cho dự án. Vì vậy, dự án này “đứt hơi” giữa chừng thật ra không có gì là lạ. Tôi thấy, không chỉ tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, mà nhiều dự án khác đều không nói rõ vấn đề sắp xếp vốn, ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Với dự án này, ngay từ đầu phải làm rõ: Ai sẽ là những người đóng góp vốn vào dự án? Phần Chính phủ đóng góp bao nhiêu, phần TP. HCM tham gia như thế nào? Việc này không được quy định cụ thể nên dẫn đến hệ lụy hôm nay”, ông Phúc nhìn nhận.

Vị chuyên gia cũng không đồng tình với lập luận cho rằng tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giao thông quốc gia nên Chính phủ phải lấy tiền chỗ khác để giải quyết việc này.

Theo TS. Nguyễn Bách Phúc: “TP. HCM phải chịu trách nhiệm trước tình trạng hiện nay về dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên. Bởi lẽ, TP đã triển khai dự án khi chưa có sự chuẩn bị về vốn. UBND TP. HCM đang cố gắng tìm cách “cứu” dự án, bằng cách ra sức “xin” Chính phủ cấp tiền cho dự án. Không thể suy nghĩ như vậy được. Làm thế, sẽ tạo ra những tiền lệ xấu về sau.

Theo tôi, nếu TP. HCM không tự xoay được tiền, thì bắt buộc phải dừng dự án. Không thể cứ làm rồi thiếu lại xin Trung ương. Cùng với việc dừng dự án, phải xem xét lại trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến sự trì trệ và yếu kém của dự án này”, ông Phúc nhấn mạnh.

Dự án Metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Tổ chức JICA (Nhật Bản), được khởi công vào tháng 8/2012. Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi-South). Dài gần 20 km, tuyến metro qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP. HCM) và TX. Dĩ An (Bình Dương). Dự kiến, cuối tháng 10/2017 sẽ thông đoạn hầm đầu tiên từ ga Nhà hát TP. HCM đến ga Ba Son và đến năm 2020 chính thức đưa vào khai thác.

Cao Diên – Hải Dương

Bài liên quan

Tin mới

Bình Định: Phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 24%
Bình Định: Phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 24%

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2024 vẫn tăng 17,3%. Với kết quả trên, ngành Công Thương tỉnh xác định: Phấn đấu trong tháng 5/2024 sẽ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 24%...

Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền trên sông Chanh
Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền trên sông Chanh

Vào khoảng 14h50’ ngày 26/4, tại khu vực sông Rừng, cách  Miếu Vua Bà (phường Yên Giang) khoảng 600 m đến 700 m, tổ công tác tìm kiếm của phường Nam Hòa, TX Quảng Yên, đã phát hiện, vớt được một thi thể nữ mặc áo mưa màu xanh, chân đeo ủng. Vị trí tìm thấy cách khoảng 10 km so với vị trí lật thuyền.

Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024
Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024

Chiều 26/4, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khai mạc hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024.

Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"
Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"

NDO - Tại Văn phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Hy vọng, cùng ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”
Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”

Ngày 26/4, Trung tâm Văn hóa TP. Hải Phòng tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa
Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa

Ngày 26/4, Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024- 2026, với 46 hội viên.