Về xét nghiệm, phát hiện và chăm sóc sức khỏe các trường hợp F0 mới phát hiện:

Thành phố lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng nhưng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách trong quá trình thực hiện. Các đội xét nghiệm của quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ thực hiện lấy mẫu tại các địa bàn phường, xã, thị trấn.

Đợt xét nghiệm tầm soát này sẽ tăng cường làm xét nghiệm test nhanh, điểm mới là hướng dẫn cho người dân tự làm xét nghiệm nhanh (đối với các hộ gia đình có thể thực hiện được). 

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Lưu ý, những trường hợp có kết quả test nhanh dương tính được xem là F0 nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu cần nhập viện thì phải làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Ngay khi có kết quả xét nghiệm, trung tâm y tế quận, huyện phải thông báo kết quả ngay cho ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn danh sách các F0 để phân công các trạm y tế lập danh sách F0 cần được quản lý và chăm sóc sức khỏe.

Khi có danh sách F0, trạm y tế cùng tổ Covid-19 cộng đồng bổ sung địa chỉ nhà và số điện thoại của từng trường hợp F0. Sau đó, nhân viên y tế đến nhà F0 để thăm khám và cung cấp gói thuốc điều trị, cho F0 uống ngay liều thuốc kháng virus SARS-CoV-2 và uống liều thuốc kháng đông, kháng viêm nếu có chỉ định.

Đồng thời, sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không, nếu không đủ thì cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.

Triển khai các trạm y tế lưu động để tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho người dân và chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại nhà:

Tùy theo số F0 quản lý trên mỗi quận, huyện và TP. Thủ Đức, dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 ca F0. Theo kế hoạch, có khoảng 400 trạm y tế lưu động sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trước ngày 24/8 và trước ngày 27/8.

Về địa điểm của trạm y tế lưu động, có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân. Mỗi trạm ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng; 3-4 nhân sự khác. Ngoài ra Sở Y tế sẽ điều phối tăng cường nhân lực khi tiếp nhận lực lượng nhân viên y tế do Bộ Y tế điều động đến.

Công tác cấp cứu người dân trong thời gian giãn cách:

Tổ phản ứng nhanh có nhiệm vụ cho người bệnh thở oxy tại nhà, sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống trong khi chờ chuyển đến cơ sở điều trị.

Đối với người bệnh có triệu chứng nhẹ, không cần can thiệp cấp cứu thì đưa người bệnh về cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc quận, huyện.

Đối với người bệnh cần can thiệp cấp cứu thì thực hiện sơ cấp cứu ban đầu tại trạm y tế lưu động, sau đó chuyển về bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất trên địa bàn để tiếp tục xử trí.

Trường hợp người dân gặp các tình huống khẩn cấp tại nhà cần được cấp cứu thì liên hệ tổng đài 115 để được hỗ trợ.

Chuyển F0 đang cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn phường, xã, thị trấn, quận, huyện khi có tình trạng quá tải:

Khi các khu cách ly ở địa bàn bị quá tải, đề nghị liên hệ các bệnh viện dã chiến của thành phố để chuyển F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn, quận, huyện theo sự phân công của Sở Y tế.

Tình huống có trường hợp F0 hoặc nghi ngờ F0 tử vong tại nhà:

Theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ cung cấp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người dân khi có trường hợp F0 hay nghi ngờ F0 tử vong tại nhà.

Trong trường hợp này, người dân liên hệ UBND phường, xã để được hỗ trợ gọi đường dây nóng cho lực lượng chức năng được phân công nhiệm vụ đến nhà xử lý.

Nguyễn Tùng - Hoàng Dương