Theo đó, ngày 12/8, tại chốt kiểm soát dịch Covid - 19 khu vực cầu Trường Đai, phường Thới An, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, tổ công tác đã dừng xe kiểm tra Phạm Minh K. (30 tuổi, quê Vĩnh Long). Qua kiểm tra, cảnh sát giao thông - trật tự Công an Quận 12 đã phát hiện trong cốp xe máy của K. có 7 tờ giấy xác nhận “đi lại do yêu cầu công việc” do Công ty TNHH thực phẩm Nguyễn Gia có trụ sở ở phường 13, quận Gò Vấp được đóng dấu, ký tên.
Theo ghi nhận, cả 7 tờ giấy trên đều để trống các hạng mục, không có thông tin của người được xác nhận nhưng vẫn được đóng dấu mộc đỏ, chữ ký của lãnh đạo công ty.
K. thừa nhận, mình là nhân viên giao hàng của công ty, anh đang thực hiện yêu cầu của cấp trên đi giao các tờ “giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” cho một số khách hàng quen của công ty để họ tự điền thông tin cá nhân vào và sử dụng đi qua các chốt kiểm soát dịch Covid - 19.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với K. về hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” và tạm giữ 7 giấy xác nhận trên.
Đại diện Đội Cảnh sát -trật tự Công an Quận 12 cho biết, việc công ty Nguyễn Gia đóng dấu, ký “khống” vào các giấy xác nhận trên là không đúng theo quy định, dẫn đến việc có thể xảy ra là nhiều người không thuộc nhóm đối tượng hoạt động trong thời điểm giãn cách xã hội ra đường, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 giấy tờ giả đến 5 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 5 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Hoàng Dương - Nguyễn Tùng