Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC)
Chia sẻ về thực trạng hoạt động của ngành hội chợ, triển lãm trong năm 2020, ông Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hội chợ triển lãm thương mại và Hội nghị Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam cho biết: Kinh doanh cả hai lĩnh vực chính của ngành triển lãm là cho thuê địa điểm và dịch vụ, bình quân doanh thu 5-6 tỷ đồng/tháng. Từ tháng 2 đến nay do dịch COVID-19 công ty mất 97% doanh thu, rất nhiều doanh nghiệp cũng như vậy. Đây là khó khăn chưa từng xảy ra với doanh nghiệp.
Tương tự, bà Thượng Mỹ An, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh SECC thông tin, năm 2020 có 48 hội chợ triển lãm đăng kí tổ chức tại SECC, đến nay chỉ có tám sự kiện diễn ra, hai sự kiện còn lại vẫn chưa biết thế nào.
“Mỗi đơn vị đều có sự tổn thất nhất định cả về vật chất lẫn tinh thần. Một số công ty anh em phải đi bán cà phê, bán hàng online, chạy grab... tôi rất đau lòng và lo lắng nghề của anh em bị mai một dần. Chẳng hạn, có công ty chuyên về dàn dựng, bình thường anh em đi thang rất giỏi, năm nay lâu lâu mới có sự kiện khi leo thang lại có vẻ nhát chân hơn”, bà An tâm tư.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, năm 2020 HAWA dự kiến tổ chức hai triển lãm và một hội chợ nhưng do COVID-19 không tổ chức được cái nào. Theo đó, 17 tỷ đồng bị mất đi, doanh số năm 2020 bằng không.
Ông Võ Trọng Tài, Tổng Giám đốc công ty Reed Trade Việt Nam thuộc tập đoàn RELX cho hay, trong năm 2020 công ty có bốn triển lãm ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng không thể tổ chức bởi đa số khách nước ngoài không đến được Việt Nam.
"Với doanh số hàng năm 1,6 tỷ bảng Anh, năm 2020 dịch COVID-19 thổi bay 71% doanh thu của tập đoàn. Riêng doanh thu từ thị trường Việt Nam khoảng 5 triệu USD/năm, thì năm 2020 xem như bằng không. Tại Việt Nam, công ty may mắn sống sót là nhờ tập đoàn có nhiều mảng khác hỗ trợ", ông Tài chia sẻ.
Cũng theo ông Võ Trọng Tài cho biết, năm 2020 do không tổ chức triển lãm trực tiếp tập đoàn tổ chức triển lãm online với mục tiêu kết nối hỗ trợ cho các doanh nghiệp, giữ thị trường.
Tuy nhiên, qua khảo sát có 75% khách triển lãm cũng như khách tham quan mong muốn tham gia trực tiếp; thời gian đi lại trong triển lãm trực tuyến 60 phút trong khi khách tham quan trực tiếp là ba tiếng đồng hồ. Do đó, trực tuyến là giải pháp tạm thời chứ không thể thay thế triển lãm trực tiếp và doanh nghiệp chờ giải pháp căn cơ.
Theo ông Tài cho hay, từ cuối tháng 8 đến nay, tập đoàn đã tổ chức vài triển lãm tại Trung Quốc, Thái Lan, quy mô đạt 50-80% so với năm 2019 và rất chất lượng.
Từ tín hiệu thị trường nước ngoài cùng thông tin có vắc xin, hy vọng năm 2021 ngành triển lãm Việt Nam nối đà trở lại nhưng với quy mô 81% của năm 2019. Năm 2022 ngành triển lãm Việt Nam có thể phục hồi, phát triển…
Nguyễn Tùng