Chiều 11.5, tại hội trường Thành ủy TP.HCM đã diễn ra hội nghị sơ kết 6 tháng về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh Trác Rin
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "TP.HCM có thu nhập bình quân đầu người 6.000 USD/năm mà hệ thống xe rác không chuẩn hóa được sẽ gây bức xúc. Phải sớm giải quyết cái này, tầm cỡ thành phố khoa học công nghệ mà xe rác không chuẩn hóa là không được”.
Mục đích của cuộc vận động là TP phải sạch hơn; Kết quả phải được người dân công nhận và chính người dân tham gia để làm điều đó.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, Thành ủy xác định 6 tổ chức, cơ quan tham gia với 16 đầu việc cụ thể nên cần đánh giá kết quả thực hiện của các tổ chức và cơ quan này.
Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương phối hợp với MTTQ công nhận khu phố không xả rác, như là một trong các tiêu chí để công nhận khu phố văn hóa. Nhưng đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao mới làm xong dự thảo về cách công nhận. Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng đây là sự yếu kém, bởi các địa phương đã vận động, đăng ký thực hiện rồi nhưng lại không công nhận được.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân còn cho biết TP.HCM có 369 "điểm đen" về rác. Thời gian qua, các quận, huyện đã xóa được 277 "điểm đen". “Khoảng 75% điểm đen về xả rác đã được xóa bỏ. Sau khi xóa rồi thì phải giữ được và nâng cấp lên. Đó là trồng cây, trồng cỏ để làm nơi vui chơi”, ông Nhân lưu ý.
“Còn 92 điểm nữa lúc nào xóa xong? Hết một năm vận động xóa hết tất cả được không?”, ông Nhân đặt câu hỏi, và chỉ đạo các quận, huyện cần nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ hết tất cả các "điểm đen" về rác.
Tình trang rác thải sinh hoạt của người dân bị từ chối thu gom do thắc mắc về việc loạn giá phí
Trong khi đó công tác quản lý nhà nước ở nhiều địa phương còn có bất cập, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hay như tình trạng thu gom rác không đúng giờ giấc, nên người dân thành phố bỏ rác ra ngoài đường.
Ngay tại Phường 26, quận Bình Thạnh, trong khi chính quyền toàn thành phố tập trung cho cuộc vận động người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch thì tại đây những đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn đã o bế độc quyền, tự ý tăng giá loạn phí để ép người dân. Khi người dân có ý kiến phản ánh thì lập tức ngừng thu gom để gây áp lực. Nhiều ngày không thu gom khiến lượng rác thải sinh hoạt của người dân chất đống ngoài đường gây ô nhiễm, mất mỹ quan đường phố.
Khi người dân cầu cứu tới chính quyền thì đại diện Phường 26, quận Bình Thạnh cho rằng, Phường không có trách nhiệm mà chỉ là cầu nối giữa người dân với đơn vị thu gom rác khi xảy ra tránh chấp mâu thuẫn. Và người dân phải tự tìm nhà cung cấp dịch vụ thu gom để ký hợp đồng...
Điểm tập kết tạm không đẩm bảo vệ sinh gây mất mỹ quân, ô nhiễm môi trường
Chưa kể những đơn vị thu gom rác trên địa bàn Phường 26 vẫn sử dụng loại xe kéo thô sơ, không được che chắn cẩn thận khi đi thu gom rác thì xuất hiện tình trạng rác từ những chiếc xe này rơi vãi ra đường... gây mất mỹ quan.
Các loại xe thô sơ vẫn được sử dụng để đi thu gom rác
Tại các điểm tập kết rác cũng vô cùng mất vệ sinh, tuy các công ty dọn vệ sinh đã chọn những đoạn đường ít nhà dân nhưng lại gần trường học, công viên, bệnh viên... nhưng không dọn dẹp sạch sẽ sau khi lấy rác, để đọng nước rỉ rác, gây ô nhiễm cả một đoạn đường...
Hải Đăng