Theo đó, cuộc họp trực tuyến diễn ra với sự tham gia của gần 100 đầu cầu đến từ phòng y tế, ban giám đốc Trung tâm y tế và khoa Kiểm soát bệnh tật - trung tâm y tế của TP Thủ Đức và các Quận huyện trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh hiện tại số lượng F1 tăng nhanh, đồng thời có nhiều công văn hướng dẫn, giám sát cách ly y tế tại nhà dành cho đối tượng F1 từ Bộ Y tế, Sở y tế TP.HCM, BS. CKI. Nguyễn Ngọc Thùy Dương – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố đã có những hướng dẫn chi tiết liên quan đến vấn đề này như: Đối tượng áp dụng cách ly y tế tại nhà; thời gian cách ly; việc tổ chức xét nghiệm; yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; xử lý khi vi phạm cách ly y tế tại nhà.
Bên cạnh đó, BS. CKI. Nguyễn Ngọc Thùy Dương cho biết, công tác giám sát người cách ly tại nhà sẽ được phân công cho 3 lực lượng chính, gồm lực lượng công an, dân quân, lực lượng y tế và Tổ chống Covid cộng đồng. Trong đó tổ chống Covid cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà với các lực lượng chức năng.
Đồng thời, để hỗ trợ công tác giám sát cách ly y tế tại nhà từ ngày 17/7/2021 đến ngày 31/7/2021, thành phố sẽ triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration).
Được biết, đây là phần mềm được Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế TP.HCM phối hợp thực hiện, cùng sự hỗ trợ của Cục tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông và tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Theo kế hoạch, ngày 15 và 16/7, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống giám sát cách ly tại nhà cho các đơn vị tham gia thí điểm. Theo đó, các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ được hướng dẫn khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình.
Cụ thể, mỗi ngày người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở... Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ để có hỗ trợ kịp thời.
Theo Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ, trong giai đoạn thí điểm sử dụng phần mềm sẽ có những vấn đề phát sinh, tuy nhiên đây là giai đoạn cấp bách, đòi hỏi sự chung sức của tất cả các lực lượng chức năng và người cách ly y tế tại nhà. Ngoài ra ông Lê Quốc Cường cũng cho biết những thắc mắc, hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm VHD sẽ được tiếp nhận và trả lời trên cổng thông tin 1022.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng gia tăng, kéo theo số lượng đối tượng tiếp xúc gần F1 cũng tăng theo, gây ra áp lực lớn cho các địa phương trong việc tổ chức cách ly tập trung. Để đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, TP.HCM triển khai tổ chức cách ly tại nhà đối với đối tượng F1 trên địa bàn.
Đặc biệt, giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế), thực hiện xét nghiệm vào ngày 1, ngày 7, ngày 14.
Đối với người cách ly tự túc phương tiện về nhà, nơi lưu trú và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo. Cơ sở cách ly thực hiện nghiêm việc tư vấn hướng dẫn sau hoàn thành cách ly, ghi nhận đầy đủ thông tin, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hiện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo: Chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết; Bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của địa phương; Tuân thủ các quy định khi thực hiện cách ly tại nhà, khu vực phong tỏa.
Thuận Yến – Thùy Linh