Theo đó, đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn) dài gần 2km, rộng hơn 30m cho 4 làn xe, tổng vốn 1.800 tỉ đồng giúp tăng kết nối Quận 1 và quận Bình Thạnh.

Điểm đầu dự án là đường Tôn Đức Thắng và điểm cuối là ranh Tân Cảng, vượt qua hai khu dân cư cao cấp ở khu vực là Saigon Pearl và Vinhomes.

Theo Sở GTVT TP.HCM, đoạn sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son (trước là cầu Thủ Thiêm 2) đến cầu Sài Gòn đi qua hàng loạt dự án, khu đô thị có giá đắt đỏ bậc nhất TP.HCM.

Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Trong đó, đường ven sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm (quận Bình Thạnh) đã được các chủ đầu tư dự án trong khu vực đầu tư. Tuy nhiên, mặt cắt ngang đường giữa các dự án không có sự đồng nhất, nơi rộng nơi hẹp.

Việc kết nối giao thông từ đường ven sông ra đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay qua đường dân sinh cầu Thủ Thiêm có bề rộng mặt đường nhỏ hẹp (khoảng 7m) sẽ không đảm bảo khả năng thông hành và nguy cơ ùn tắc giao thông tại khu vực vòng xoay dưới chân cầu Thủ Thiêm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Sở GTVT TP.HCM cho biết, tuyến đường ven sông từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn được đầu tư giúp giải quyết nhu cầu giao thông tại khu vực và kết nối đồng bộ các khu đô thị mới ven sông Sài Gòn. Khi hình thành, tuyến mở ra hướng đi mới từ cầu Sài Gòn vào khu trung tâm Tp.HCM.

TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Trong đó, TP.HCM sẽ bổ sung vào quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ với quy mô tối thiểu 4 làn xe, kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ (đoạn từ trung tâm TP.HCM đi Củ Chi).

Theo Sở GTVT, đường ven sông Sài Gòn sẽ tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm TP.HCM. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

L.T (t/h)