THCL - Theo Sở Công thương TP. HCM, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là vô cùng cần thiết…

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý.

TP. HCM: Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm - Hình 1

Ảnh minh họa

Đây là công tác thiết thực, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo Vietgap, thịt heo an toàn...

Đến nay, đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc của TP. HCM đã nhận được sự đồng thuận của các trang trại, nhà máy giết mổ gia súc, các chợ đầu mối, hệ thống phân phối và thương nhân kinh doanh trong các chợ đầu mối, chợ truyền thống...

Đề án được vận hành với sự tham gia của các trang trại chăn nuôi lớn như Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, HTX Tiên Phong, Japfa Việt Nam, CJ Vina Agri...; các nhà máy giết mổ lớn như Vissan, An Hạ, Anh Hoàng Thi, Công ty CP Thực phẩm Hóc Môn...; 2 chợ đầu mối lớn thịt heo như chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn; các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, hệ thống Satra, hệ thống BigC... và 3 chợ truyền thống bán lẻ lớn: chợ Thái Bình, An Đông, Bến Thành.

Sở Công thương TP. HCM cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố vào khoảng 10.304 điểm, tăng hơn 1.000 điểm so với năm ngoái.

PV