Theo đó, TP. HCM sẽ thực hiện song song hai chính sách hỗ trợ là gói 886 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TP. HCM và gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Việc triển khai dựa trên nguyên tắc, mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần, một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền mặt, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Với đối tượng đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP. HCM thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất.
Nếu đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 của HĐND TP.HCM mà đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 thì được hỗ trợ bổ sung cho bằng mức quy định tại Nghị quyết số 68.
Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, có 12 nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ. Còn theo Nghị quyết 09 của HĐND TP. HCM, có 6 nhóm được hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM, tính đến 26/7, thực hiện Nghị quyết số 09, có hơn 298.000 người lao động tự do (100%) đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 447 tỉ đồng, mỗi người nhận 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra, gần 35.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ gần 70 tỷ đồng, gần 10.000 thương nhân tại các chợ truyền thống được hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng.
Nguyễn Tùng - Hoàng Dương