Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 3/10, đã có 2.049 trẻ được tiêm vắc xin sởi tại 248 điểm tiêm trên toàn thành phố.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay đã có 97% trẻ em từ 1-10 tuổi trên địa bàn thành phố được bảo vệ an toàn với vi-rút sởi.

Nếu 9 quận, huyện gồm: Huyện Cần Giờ, quận 3, quận 10, quận 6, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, quận Bình Thạnh đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin sởi thì thành phố sẽ sớm công bố chấm dứt được dịch sởi.

Tổng số mũi tiêm vắc xin sởi tích lũy trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến ngày 03/10/2024 là 209.292 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 42.977 mũi (đạt 93,37%), trẻ từ 6-10 tuổi là 143.946 mũi (đạt 97,98%). Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đạt 97% theo kế hoạch.

Tiêm vắc xin sởi Trạm Y tế phường Tân Hưng, Quận 7
Tiêm vắc xin sởi Trạm Y tế phường Tân Hưng, Quận 7 (Ảnh: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh)

Về ca mắc mới, trong ngày 3/10 ghi nhận có 23 ca sốt phát ban nghi sởi được báo cáo (có 03 ca sởi xác định), 11 quận huyện ghi nhận có số ca sốt phát ban nghi sởi là: quận 1 (1 ca), quận 10 (1 ca), quận 11 (1 ca), quận 12 (1 ca), Củ Chi (3 ca), Nhà Bè (1 ca), Tân Bình (1 ca), Tân Phú (2 ca), Bình Chánh (3 ca), Bình Tân (5 ca), TP. Thủ Đức (4 ca). Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy tính đến ngày 03/10/2024 là 1.193 ca. Các quận, huyện có số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy cao gồm có: Bình Chánh (268 ca), Bình Tân (239 ca) và TP. Thủ Đức (102 ca).

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND huyện Cần Giờ, quận 3, quận 10, quận 6, Tân Phú, Bình Tân, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Thạnh (chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 95%) tăng cường chỉ đạo. đẩy nhanh tiến độ tiêm để đạt mục tiêu của chiến dịch. Đối với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ trên 95% cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tiếp tục tiêm khi phát hiện còn trẻ chưa tiêm đủ mũi.

Trước đó, cuối tháng 8/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3547/QĐ-UBND về việc công bố dịch sởi và Kế hoạch 4959/KH-UBND về việc chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, thành phố sẽ thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi.

Chiến dịch này nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, giảm số ca mắc, ngăn ngừa tử vong do bệnh sởi, đặc biệt góp phần bảo vệ các trẻ  thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ có biến chứng nặng khi mắc Sởi (trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính như tim mạch, thận, huyết học, trẻ suy giảm miễn dịch…).

Theo kế hoạch, những đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt này là trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sinh sống tại thành phố, không kể tiền sử tiêm chủng, các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 - 16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện không kể tiền sử tiêm chủng.

Nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin, các nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin có thành phần sởi cũng sẽ được tiêm trong chiến dịch này.

Chương trình sẽ không tiêm vắc xin MR cho những trẻ đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai chiến dịch (cần có bằng chứng thể hiện trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý Tiêm chủng).

Chiến dịch được triển khai tại tất cả các trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, TP. Thủ Đức. Vắc xin được sử dụng trong chiến dịch này là vắc xin Sởi – Rubella (vắc xin MR), được mua từ nguồn ngân sách thành phố.

Hoàng Bách (t/h)