Phát biểu về triển khai, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm được bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện Chương trình này. Việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là: Khi triển khai thành công, Chương trình sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh công nhận 191 sản phẩm OCOP với 67 chủ thể, trong đó có 79 sản phẩm 4 sao, 112 đạt chuẩn 3 sao.
Theo ông Hiệp, Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng. Chương trình không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển chương trình của các sở, ngành liên quan. "Tôi đề nghị các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị có những hoạt động cụ thể. Như Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ giải pháp công nghệ, Sở Công thương kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP "- ông Hiệp nói.
6 chủ thể của 43 sản phẩm được UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao bao gồm: Công ty TNHH Đạt Butter (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ (huyện Bình chánh) và Công ty CP đầu tư Xuất Nhập khẩu Phúc Lộc Thọ (huyện Bình Chánh); Công ty CP Quốc tế Hoàng Nam tại (huyện Nhà Bè); Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Yến đảo Cần Giờ và Hộ kinh doanh cửa hàng Yến sào Khánh Đan.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2019, là một trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đến nay, thành phố đã có 191 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao, 4 sao và có 1 sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao.
Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương, thành phố đã có những chủ trương, những hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng được những lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, riêng biệt
Hoàng Bách (t/h)